Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

Thiếu một tấm lòng

Anh Phạm Tuyên kính mến,
Có lẽ anh rất bất ngờ khi nhận được cái thư khá dài nầy của tôi. Trước tiên tôi xin lỗi đã làm mất thì giờ lão nhạc sĩ rất quý mến của người bạn vong niên ở Huế của anh.
Vừa rồi tôi được đọc bài báo “Nhạc Phạm Duy và những điều cần phải nói” trên An Ninh Thế Giới Cuối Tháng (4-2009) của ba anh Trọng Bằng, Phạm Tuyên và Hông Đăng, tôi cảm thấy có sự bất bình thường, định viết một bài phản biện gởi cho báo, nhưng nghĩ lại thấy như thế không tiện nên ngồi gõ cái thư nầy gởi cho anh và qua anh có thể trao đỏi ý kiến của tôi với hai anh bạn của anh. Chuyện muốn nói với ba người mà bắt một mình anh phải nghe quả là không công bằng. Mong anh thứ lỗi.
Anh Pham Tuyên kính mến,
Cảm tưởng đầu tiên của tôi: Bài báo của các anh không có điều gì mới về tiểu sử trích ngang của nhạc sĩ Phạm Duy. Trong bộ sưu tập của tôi, tôi có hàng trăm bài của các lực lượng lưu vong chống Cộng đã dội “gió tanh, mưa máu” lên Phạm Duy vì cái tội Phạm Duy hưởng ứng Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản VN. Và, tôi cũng có không ít những bài viết phê phán Phạm Duy ở ngay trong nước Việt Nam trước và sau 30-4-1975. Phạm Duy là một nhạc sĩ, một người bình thường, chứ không phải là một kẻ sĩ. Con người bình thường thì có khối chuyện hay và cũng lắm chuyện dở. Báo chí, sách vở và chính Phạm Duy đã, đang và cũng sẽ viết tiếp những chuyện dở của Phạm Duy. Trong hồi ký Phạm Duy đã viết nhiều chuyện dở của Phạm Duy mà những ai chưa đọc hồi ký ấy thì không thể biết được. Nhưng viết những chuyện dở ấy để hiểu mặt phải mặt trái của một nhạc sĩ lớn chứ không phải viết vì đố kỵ, vì trâu cột ghét trâu ăn giống như vụ hoạ sĩ Trịnh Cung viết về chuyện “tham vọng chính trị” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vừa công bố hồi đầu thang 4-2009 vừa qua. Tôi còn nhớ, năm 2002, trong một cuộc họp mặt của các Cựu Thiếu sinh quân VN, có cả con gái và con rể (làm Phóng viên báo SGGP) của Tướng Nguyễn Sơn với nhạc sĩ Phạm Duy tại phòng hội trường Sư Phạm đối diện với Đài Truyền hình đường Đinh Tiên Hoàng TP HCM. Nhiều Cựu Thiếu sinh quân từng hát bài Thiếu sinh quân của Phạm Duy trong vùng kháng chiến Khu IV, đã tỏ sự bất bình về chuyện Phạm Duy bỏ kháng chiến “về thành”. Trả lời, Phạm Duy đã nói rõ lý do anh “về thành”: Vì anh và gia đình không chịu được hoàn cảnh quá cực khổ lúc ấy. Về thành anh rất đau đớn mỗi khi nhận được những oán trách của anh em kháng chiến dành cho anh. Để chứng tỏ Phạm Duy rất biết, rất quan tâm đến những oán trách về chuyện “về thành” của anh, anh đọc thuộc lòng bài thơ của Huy Phương lên án anh một cách gay gắt. Anh cũng giới thiệu rằng anh đã viết rõ lý do vì sao anh “về thành” trong Hồi ký (Có lẽ lúc qua Pháp anh Phạm Tuyên đã đọc). Cả hội trường rất bất ngờ rồi vỗ tay vui vẻ, thông cảm cho hoàn cảnh của anh. Họ xem những chuyện buồn xưa như những kỷ niệm của một thời để cùng nhau hưởng hạnh phúc đất nước hoà bình, độc lập, thống nhất và hội nhập. Sau đó mọi người mời Phạm Duy dự một buổi liên hoan cũng rất vui vẻ. Vô tình các Cựu Thiếu sinh quân đã đưa Nghị Quyết 36 của Trung ương vào cuộc sống thật nhẹ nhàng, đạt được kết quả tốt. Chính qua những buổi gặp gỡ cảm thông như thế đã giúp Phạm Duy vững tin vào chính sách hoà hợp và hoà giải dân tộc của Đảng và nhà nước Việt Nam. Sự tin tưởng ấy thúc đẩy Phạm Duy phải về nước sớm vào năm 2005. Không rõ Hội nhạc sĩ Việt Nam, các anh Trọng Bằng, Phạm Tuyên, Hồng Đăng đã có lần nào đưa tinh thần của Nghị Quyết 36 đến với nhạc sĩ Phạm Duy chưa? Nếu chưa thì các Đảng viên quan chức của Hội nhạc sĩ Việt Nam phải kiểm điểm vì các anh đã không thực hiện Nghị quyết của Đảng. Các anh đã hưởng ứng các nghị quyết của Đảng, sáng tác nhạc cổ vũ cho quyết tâm của dân tộc đánh thực dân Pháp, đánh Đế quốc Mỹ giải phóng miền Nam. Các anh đã nhận được những phần thưởng cao quý nhất của nhà nước. Vậy các anh đã có hành động gì, sáng tác gì có giá trị cho công cuộc hoà hợp, hoà giải dân tộc xây dựng đất nước giàu mạnh chưa?
2. Anh Phạm Tuyên, chỗ thân tình, “vừa là đồng chí vừa là anh em” tôi xin nói nhỏ với anh: Chúng ta lên án nhạc sĩ Phạm Duy bỏ kháng chiến “về thành”. Giả dụ lúc đó Phạm Duy không “về thành” mà cứ tiếp tục công tác cho đến ngày 30-4-1975, anh có tưởng tượng được tình cảnh Phạm Duy và gia đình anh ấy ở miền Bắc sẽ như thế nào không? Với tài năng và phong cách của Phạm Duy, Phạm Duy không thể trung thành tận tuỵ với chế độ như Phạm Tuyên, không thể nhẫn nhục, chịu đựng như Tô Hải, không thể chịu ngồi yên in bóng mình trên vách như Văn Cao. Tôi tưởng tượng đến những việc có thể xảy ra với Phạm Duy như sau: Sau 1954 về Hà Nội, Phạm Duy đứng về phía những văn nghệ sĩ mà lịch sử gọi là “Nhóm nhân văn” với Hoàng Cầm. Khi ấy Phạm Duy không thể tránh được tù tội, nếu không chết trong tù thì anh ấy sẽ âm thầm viết hồi ký, bút ký, truyện ký gì đó tố cáo bôi bác chế độ ta, tàn mạt gấp nhiều lần so với hồi ký của Tô Hải đang được cư dân mạng toàn cầu chăm chú đọc hiện nay. Phạm Duy “về thành”, phải chịu tiếng “phản bội kháng chiến” nhưng bớt được cho chế độ ta một sai lầm là “đã đày đoạ một nhân tài của đất nước”. Qua Pháp, anh đã đọc hồi ký của Phạm Duy chắc anh đã biết rõ: trong thời gian Văn Cao ngồi in bóng mình trên vách ở Hà Nội đợi kháng chiến thành công thì Phạm Duy “về thành” đã làm được những gì cho nền tân nhạc Việt Nam. Phạm Duy chịu tiếng “phản bội kháng chiến”, và anh “chuộc tội” bằng các nhạc phẩm Tình ca, Tình hoài hương, Thuyền viễn xứ, Đố ai, Nghìn trùng xa cách, Trường ca Con đường cái quan, Trường ca Mẹ Việt Nam , .v.v. [Theo thống kê của tôi có đến vài trăm bài được người yêu nhạc trước đây hay hát). Phạm Duy ra đi để trở về, chắc chắn tốt hơn những người ở lại tại chỗ rồi phải sống giả giối, chờ hưởng hết bổng lộc vinh quang của chế độ rồi quay đầu chưởi lại chế độ, chưởi đồng chí, đồng đội và chưởi luôn mình như đã xảy ra trong giới nhạc sĩ Việt Nam. Và có ai dám bảo đảm với Đảng trong ngăn kéo, trong ổ nhớ máy vi tính của anh em ta không còn những bút ký, hồi ký, tự bạch như của Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Khải, Tô Hải không ? Các anh đã có “những điều cần phải nói” với những người đã tự thú và cả những người đang chờ cơ hội để bộc lộ mình chưa?
*
* *
3. Anh Trọng Bằng cảnh báo nhạc sĩ Phạm Duy rằng: “Ông không thể so sánh ông với bất cứ một nhạc sỹ nào đã tham gia cách mạng, vì thế ông không thể nào so sánh với nhạc sỹ Văn Cao. Không thể ví được. Văn Cao là một con người có trình độ, là một nhà nghiên cứu dân tộc, ông Văn Cao là một người toàn diện.” Anh nói hộ với anh Trọng Bằng, về đoạn trích trên, tôi xin trao đổi 4 ý kiến sau:
3.1. Anh Trọng Bằng, em anh Trọng Loan, về tuổi đời cũng như tuổi nghệ thuật âm nhạc đều thuộc lứa đàn em của nhạc sĩ Phạm Duy. Một nghệ sĩ đàn em viết về một nghệ sĩ đàn anh với giọng cửa quyền, gia trưởng, lệnh lạc như thế là khiếm lễ. Với tư cách là người từng lãnh đạo ngành âm nhạc Việt Nam, nếu cần cảnh báo cho nhạc sĩ Phạm Duy biết điều gì đó thì anh Trọng Bằng nên viết một công văn gởi riêng cho nhạc sĩ Phạm Duy hơn là viết trên báo chí. Vì viết trên báo chí người trong nước và ngoài nước đọc được họ có thể hiểu lầm là cái “cửa quyền” vẫn còn tồn tại trong giới âm nhạc Việt Nam thời hội nhập quốc tế nầy;
3.2. Không rõ anh Trọng Bằng đã đọc được bài viết nào chứng tỏ nhạc sĩ Phạm Duy đã tự so sánh mình với các nhạc sĩ đã tham gia cách mạng chưa? Trong bộ sưu tập của tôi chưa có tài liệu ấy. Nhưng nếu có ai đó viết chuyện ấy thì cũng không sao. Dựa trên nguyên tắc nào, quyền hành gì mà anh bảo nhạc sĩ Phạm Duy “không thể so sánh ông (tức Phạm Duy) với bất cứ một nhạc sỹ nào đã tham gia cách mạng”? Nếu viết lịch sử âm nhạc Việt Nam hồi đầu kháng chiến chống Pháp (1947-1950) tôi không thể không viết Nguyễn Xuân Khoát với Tiếng chuông nhà thờ, Đỗ Nhuận với Du kích sông Thao, Văn Cao với Trường ca Sông Lô và chắc chắn tôi không thể không viết về Phạm Duy với những Xuất Quân, Chiến Sĩ Vô Danh, Khởi Hành, Việt Bắc, Rừng Lạng Sơn, Nhớ Người Thương Binh (1947), Mùa Đông Chiến Sĩ (1947), Dặn Dò (1947), Ru Con (1947), Nhớ Người Ra Đi (1947), Tiếng Hát Trên Sông Lô (1947), Nương Chiều (1947), Về Miền Trung (Ðại Lược-Huế, 1948), Bao giờ anh lấy được đồn Tây (Quảng Bình, 1948), Bà Mẹ Gio Linh (Quảng Trị, 1948), Gánh Lúa (1949)…v.v. Tôi cũng có thể so sánh sự xông xáo của các tác giả, so sánh ảnh hưởng của các nhạc phẩm ấy trong vùng kháng chiến và cả trong vùng tạm chiếm, so sánh giá trị nghệ thuật của các tác phẩm ấy. Năm 1996, ngồi ở Quận 18 Paris, đọc tập hồi ký Thời Cách mạng kháng chiến của Phạm Duy, tôi chộp được lời nhận định nầy của Phạm Duy:
“Bài Trường ca Sông Lô của Văn Cao là một tác phẩm vĩ đại. Văn Cao luôn luôn là một người khai phá và là cha đẻ của loại Trường Ca” (Cali, 1989, tr.121). Không rõ cho đến năm 1989, trong Hội nhạc sĩ Việt Nam đã có ai so sánh các nhạc sĩ những năm đầu kháng chiến chống Pháp rồi có một nhận định về một tác phẩm của Văn Cao như thế chưa ?
Viết lịch sử âm nhạc Việt Nam những năm kháng chiến từ 1950 đến 1954, tôi cũng có thể so sánh để thấy sự nghiệp của tác giả Phạm Duy là một con số không. Nhưng khi viết về tình ca Việt Nam, trường ca Việt Nam, về nhạc tâm linh, Đạo Ca Việt Nam, Thiền Ca Việt Nam chưa chắc nhiều ngưòi từng tham gia kháng chiến có thể so sánh với Phạm Duy. Lịch sử diễn ra như thế thì viết như thế chứ làm sao lại bỏ qua? Bỏ qua thì còn gì là lịch sử nữa? Có phải vì không viết về Phạm Duy thì thiếu, không được, mà viết thì miễn cưỡng nên cho đến nay chưa có bộ sử tân nhạc Việt Nam nào ra hồn cả. Hay đã có mà tôi ở xứ Huế xa xôi chưa biết chăng? Nếu đã có mà tôi chưa biết thì tôi xin lỗi vậy. Nhưng nếu đã có thì vì sao các anh không báo cho giới làm báo biết để họ tham khảo, để khi viết về Phạm Duy họ viết đúng theo lịch sử của các anh. Và, nếu đã… thì làm gì có chuyện báo chí “tâng bốc, đề cao Phạm Duy quá mức” để ba anh phải buộc lòng cùng cất lời cảnh báo Phạm Duy một cách nặng nề đến vậy! Trách nhiệm của các anh ở đâu? Cơ quan nào của Đảng có thể làm thay các anh?
3.3. Anh căn cứ vào luật lệ nào mà cấm Phạm Duy không được so sánh với Văn Cao ? Luật vườn hay luật ruộng ? Phạm Duy so sánh với Văn Cao để thấy Văn Cao lớn hơn Phạm Duy như thế nào chứ? Cứ đọc mục từ “nhạc sĩ Văn Cao” trong google trên internet cũng có thể thấy nhiều cụm từ Phạm Duy nói về sư lớn lao của Văn Cao như thế nào. Ví dụ Phạm Duy viết: Văn Cao “Thấp bé hơn tôi, khép kín hơn tôi, nhưng Văn Cao tài hoa hơn tôi nhiều.” Không so sánh làm sao Phạm Duy viết được câu đó?
3.4. Anh Trọng Bằng đánh giá: “Văn Cao là một con người có trình độ, là một nhà nghiên cứu dân tộc, ông Văn Cao là một người toàn diện.” Anh Phạm Tuyên ơi, anh Trọng Bằng là một nhà soạn nhạc, nguyên Tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam mà đi đánh giá nhạc sĩ Văn Cao chi lạ rứa?
3.4.1.“Văn Cao là một con người có trình độ”, xin hỏi trình độ gì ? Ở cấp bậc nào? Trình độ chính trị ? trình độ ngoại ngữ? trình độ toán học? trình độ âm nhạc? Sao lại viết quá chung chung đến như thế ?
3.4.2.“là một nhà nghiên cứu dân tộc” Dân tộc nào? Với công trình gì? Có bằng Tô Ngọc Thanh, Trần Văn Khê không?
3.4.3. “ông Văn Cao là một người toàn diện” Toàn diện gì? Văn, võ, chính trị, ngoại giao, kinh tế ? Diện gì anh phải nói cho rõ chứ?
Còn câu nào, cụm từ nào anh Trọng Bằng nói về giá trị âm nhạc của nhạc sĩ Văn Cao đâu? Sao ông nguyên Tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam lại đi đánh giá nhạc sĩ Văn Cao tùy tiện, dễ dãi, tầm thường đến vậy? Anh Trọng Bằng đánh giá Văn Cao như thế thì trên nước Việt Nam bây giờ có đến hằng ngàn “Văn Cao” theo kiểu Trọng Bằng chứ không như trong thực tế Việt Nam mới chỉ có một nhạc sĩ Văn Cao mà thôi. Đánh giá Văn Cao như thế là anh Trọng Bằng đã hạ Văn Cao thấp xuống đến một ngàn lần.
Phải chăng vì đánh giá Văn Cao tầm thường dễ dãi đến như thế nên bao nhiêu năm các anh đã mặc cho Văn Cao ngồi in hình mình trên vách như thực tế đã diễn ra? nên sau năm 1975, Văn Cao sáng tác ca khúc Mùa xuân đầu tiên vào dịp Tết Bính thìn (1976), êm đềm, đậm đà tình người, nhưng mới phát hành đã bị tịch thu, các anh không có một lời bảo vệ? nên 1986 các anh tổ chức sáng tác quốc ca mới để thay thế Tiến quân ca của Văn Cao? May sao Mùa xuân đầu tiên vẫn được ra đời bắt đầu từ Liên xô, cuộc thi sáng tác quốc ca tiêu hao nhiều sức người. sức của nhưng rồi cũng chỉ được một bài học thất bại vì duy ý chí ngược với qui luật phát triển của nghệ thuật mà thôi. Những giá trị của âm nhạc Văn Cao không có gì có thể phủ nhận được. Các anh phê Phạm Duy kiêu, nhưng chính Phạm Duy đã đánh giá đúng Văn Cao. Theo Phạm Duy, Văn Cao là “người viết tình ca số một”, “người đẻ ra thể loại hùng ca và trường ca Việt Nam”…
*
* *
4.Anh Hồng Đăng viết: “So sánh một cách thẳng thắn, những bài hát của Phạm Duy có một vài bài công chúng thích và không phải bài nào công chúng cũng thích.(nđx nhấn mạnh). Nếu anh viết “Nhạc của Phạm Duy tôi chỉ thích được vài bài” thì tôi tôn trọng sở thích của anh và không dám có ý kiến gì. Nhưng anh viết chỉ “có một vài bài công chúng thích” (trong công chúng mà anh đề cập ở đây có tôi) thì không đúng. Anh Hồng Đăng là một nhạc sĩ, tác giả của sáu bảy trăm nhạc phẩm, lại nguyên là Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khoá IV và V, Tổng biên tập tạp chí Âm nhạc (từ 1989), và tờ Thế giới Âm nhạc (từ 1996) nên tôi không dám nêu ra đây tài liệu vị trí của nhạc sĩ Phạm Duy trong lịch sử tân nhạc Việt Nam sợ múa rìu qua mắt thợ, vốn là một nhà báo, để chứng minh điều anh viết thiếu chính xác tôi chỉ dám trưng dẫn những gì tôi đang có trong tay và những hoạt động âm nhạc vừa diễn ra mấy năm gần đây.
4.1. Theo Công-ty Phương Nam cho biết, Bộ Văn hoá-Du lịch &Thể thao VN đã cho phép Công-ty Phương Nam lưu hành, in ấn 6 danh sách nhạc Phạm Duy gồm 66 bài sau đây:
1 Ngậm Ngùi, 2 Mộ Khúc,3 Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà, 4. Ngày Trở Về,5. Thuyền Viễn Xứ, 6. Quê Nghèo; 7. Tình Ca; 8. Bà Mẹ Gio Linh; 9. Nương Chiều 10 Bà Mẹ Quê; 11. Cây Đàn Bỏ Quên; 12 Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng; 13.Em Bé Quê; 14.Hoa Xuân; 15.Kỷ Niệm; 16.Ngày Xưa Hoàng Thị; 17. Nghìn Trùng Xa Cách; 18.Xuân Ca;19 Tình Hoài Hương; 20. Tình Cầm; 21. Chỉ Chừng Đó Thôi; 22. Trăm Năm Bến Cũ; 23.Vô Thường; 24. Hương Rừng; 25.Chiếc Kẹp Tóc Thơm Tho 26. Vợ Chồng Quê; 27.Tiếng Đàn Tôi; 29. Đố Ai; 30.Tiếng Sáo Thiên Thai; 31.Nụ Tầm Xuân; 32 Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà; 33.Cành hoa trắng; 34.Thương tình ca; 35.Cỏ hồng; 36.Đường em đi; 37.Chuyện tình buồn (phổ thơ Phạm Văn Bình) , 38.Tây tiến; 39.Gánh lúa; 40.Tuổi ngọc; 40.Ông trăng xuống chơi;41.Con Đường Tình Ta Đi, 42.Phượng Yêu, 43.Còn Gì Nữa Đâu 44 Thương Ai Nhớ Ai. 45.Bài Ca Sao; 46.Bài Ca Trăng; 47.Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu 48 Em Lễ Chùa Này, 49. Ngày Đó Chúng Mình; 50.Tìm Nhau, 51. Kiếp Nào Có Yêu Nhau, 52.Nha Trang Ngày Về; 53.Con Đưởng Cái Quan – Phần Miền Trung (cho phép hát trong Festival Huế);54. Yêu là chết ở trong lòng; 55.Khối tình Trương Chi; 56.Tình hờ; 57.Ngày em 20 tuổi, 58.Tóc mai sợi văn sợi dài; 59.Tuổi mộng mơ; 60.Tuổi hồng 61.Tuồi thần tiên, 62.Vết sâu; 63.Hoa rụng ven sông, 64.Tôi đang mơ giấc mộng dài; 65 Nghìn năm vẫn chưa quên; 66.Chiều Về Trên Sông.
Phần lớn những nhạc phẩm được phép lưu hành của Phạm Duy đã được Phương Nam Phim dàn dựng đưa vào 5 CD: 1 – Ngày trở về, 2 – Đưa em tìm động hoa vàng; 3 – Tình hòai hương;4 – Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà;5 – Phượng Yêu. Và đã sản xuất 50.000 CD. Ngoài ra, các CD album của các ca sĩ cũng tranh thủ hát nhạc Phạm Duy như: Đức Tuấn – Hát tình ca Phạm Duy, Kiếp nào có yêu nhau, Thanh Thúy – Cỏ hồng, Tấn Sơn – Phạm Duy, người Từ Trăm Năm…
Song song với 50.000 CD nhạc Phạm Duy tung ra thị trường, các đêm nhạc Phạm Duy cũng đã tổ chức và bán vé chính thức: Ngày trở về (2006), Con đường tình ta đi (2008);- Ngày trở về (Hà Nội) (2009). Được biết giá vé đêm nhạc ở Nhà hát lớn Hà Nội có đến 3 loại : 800.000Đ; 600.000Đ và thấp nhất là 400.000Đ.
“Chỉ có một vài bài (nhạc Pham Duy) công chúng thích” như anh viết thì Công-ty Phương Nam không dám phiêu lưu dàn dựng 5 CD với 50.000 bản, không dám tổ chức những đêm diễn hết sức tốn kém ở cả ba miền đất nước và chắc chắn người Hà Nội sành điệu cũng không “nóng đầu” bỏ ra từ bốn trăm đến tám trăm ngàn đồng để đi nghe “một vài bài” nhạc Phạm Duy. Qua những con số thống kê trên chứng tỏ đã có một “hiện tượng” Phạm Duy. Đối với ông “anh Cả” Văn Cao cũng chưa từng tạo nên một hiện tượng như thế. Đáng lẽ chúng ta phải nhìn thẳng vào hiên tượng đó, tìm hiểu vì sao người ta lại thích nhạc Phạm Duy đến thế, các ca sĩ hát nhạc Phạm Duy, các cách dàn dựng, các cách tiếp thị làm sao mà thành công đến thế để rút kinh nghiệm. Các anh không làm việc đó mà lại dùng cái biện pháp quá cũ là “đe, nẹt” và làm ngơ trước sự thật đó.
Thưa các anh, tôi không có nhiều thì giờ và cũng không dám trích 1/5 đến 1/3 lương hưu để mua vé đi nghe nhạc Phạm Duy (trừ những lần được các bạn làm viêc cho Phương Nam mời), nhưng mỗi lần đọc báo và internet biết sự thành công của những đêm nhạc Phạm Duy (đặc biệt là xuất diễn Ngày trở về ở Hà Nội 2009) tôi hết sức mừng, nói đúng hơn là sướng, “đả đời” lắm. Một là, để cho những người chống VN ở nước ngoài, những người đã dội “gió tanh, mưa máu” lên Phạm Duy khi anh hưởng ứng Nghị quyết 36 về với cội nguồn, thấy rằng người nghệ sĩ chân chính chỉ đứng trên quê hương mình, phục vụ dân chúng của mình mới được vinh dự, mới được thành công đến như thế; chứng tỏ Phạm Duy đã đi đúng đường; Hai là, qua những đêm nhạc Phạm Duy, người Việt Nam (đặc biệt là dân Thủ đô Hà Nội ) chứng tỏ cho người ngoài thấy sự sang trọng, trình độ thẫm nhạc rất cao của mình; Ba là, với sự có mặt của nhạc sĩ Phạm Duy, đêm diễn nhạc Phạm Duy ở các nhà hát lớn của Việt Nam, với những thành công của các giọng ca trẻ thuộc thế hệ thứ ba sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, với sự hưởng ứng của dân chúng Việt Nam, chứng tỏ Việt Nam đã khác xưa, đã đổi mới thật sự.
Nhân đây tôi xin kể với các anh câu chuyện nầy: Tết năm 2005 ông Nguyễn Cao Kỳ – làm thủ tương rồi làm Phó Tổng thống chế độ cũ được Chính phủ ta cấp phép về nước. Ông vô Nam, ra Bắc tiếp báo chí, truyền hình, nói năng thoải mái. Gặp anh NP – một sinh viên tranh đấu từng bị ông Kỳ phái Tổng giám đốc công an VNCH Nguyễn Ngọc Loan truy bắt để giết, anh NP phải thoát ly theo kháng chiến, tôi hỏi:
- Anh có đồng ý việc chính phủ mình cấp phép cho ông Nguyễn Cao Kỳ về nước và tự do thoải mái như thế không? Anh có còn thù hận chuyện ông Kỳ truy bắt anh trước đây không?
Anh NP với nét mặt nghiêm nghị đáp:
- Trước nhất, nếu gặp ông Kỳ thì tôi có lời cám ơn ông ấy. Nhờ ông cho người truy bắt để giết tôi, tôi mới thoát ly theo kháng chiến và tôi vinh dự được góp phần giải phóng và thống nhất đất nước. Từ ngày Thất thủ Kinh đô 1885 cho đên ngày độc lập thống nhất đất nước ngót 90 năm. 90 năm chiến đấu ấy có biết bao lớp người đã hy sinh. Vinh quang của sự hy sinh to lớn đó dành cho dân tộc Việt Nam. Ông Nguyễn Cao Kỳ tự hào ông là người Việt Nam, ông được hưởng cái hạnh phúc đó của dân tộc. Còn chuyện trong quá khứ, ông làm gì trong bộ máy do Mỹ dựng lên để chống kháng chiến, chống phong trào tranh đấu mà tôi đã tham gia ở các đô thị miền Nam thì là chuyện của các sử gia. Không ai có ý kiến khác được. Nếu còn một người Việt Nam nào đó chưa biết quý, chưa được hưởng cái hạnh phúc dộc lập tự do mà cuộc kháng chiến mang lại thì sự hy sinh của những người làm nên chiến thắng Mùa Xuân 1975 chưa được đền đáp trọn vẹn. Tôi hoan nghinh việc ông Kỳ có mặt ở Việt Nam hôm nay.
Tôi cũng cùng có ý nghĩ như anh bạn NP. Nhạc sĩ Phạm Duy có lỗi với kháng chiến nhưng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam buổi đầu kháng chiên Phạm Duy cũng có công hơn hẵn ông Nguyễn Cao Kỳ. Ông Kỳ được hưởng như thế thì Phạm Duy phải hơn thế chứ? Mỗi lần thấy có thêm một biểu hiện thành công của Nghị quyết 36 tôi sướng. Tôi có cảm tưởng sự thành công của nhạc sĩ Phạm Duy trên đất nước mình cũng chính là sự thành công của tôi, của chúng ta, của Đảng ta.
*
* *
5. Ở đầu bài báo, anh Trọng Bằng cảnh báo nhạc sĩ Phạm Duy: “Ông không thể so sánh ông với bất cứ một nhạc sỹ nào đã tham gia cách mạng”. Ở gần cuối anh Hồng Đăng lại đem Phạm Duy so sánh với một số nhạc sĩ cách mạng và gởi đến Phạm Duy một câu kết rằng: “Còn riêng một chi tiết nhỏ về chuyên môn: Các anh em nhạc sỹ sau này khai thác dân ca vào sáng tác mới giỏi hơn anh nhiều lắm,(NĐX nhấn mạnh). Có thể kể Thái Cơ, Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Văn Thành Nho, Nguyễn Đình Bảng, Lê Mây…” Ý kiến nầy của anh quá chủ quan. Muốn đi đến kết luận hơn thua đó ít nhất anh phải thực hiện các việc sau:
-Xét tuổi tác
- Xét về hoàn cảnh
- Xét về điêù kiện làm viêc;
- Xét về thành tựu (về số lượng) nghiên cứu, vận dụng, “khai thác dân ca vào sáng tác mới”
- Xét về kết quả (về chất lượng).
Về tuổi tác Phạm Duy thuộc lớp đàn anh cùng với Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Tý.v.v. thê hệ thứ nhất của tân nhạc Việt Nam, các nhạc sĩ anh nêu tên so sánh với Phạm Duy thuộc thế hệ thứ hai. Không thể đem công việc làm của thế hệ thứ nhất so sánh với công viêc của thế hệ thứ hai. So sánh như thế là khập khiễng, sai;
Về hoàn cảnh: Phạm Duy sống với kháng chiến chỉ có ba bốn năm rồi “vào thành”, 25 năm (1950-1975) sống trong vùng tạm chiếm ở miền Nam với các vùng nông thôn, cao nguyên có truyền thống dân ca chìm ngập trong chiến tranh. Khi chiến tranh chấm dứt thì chạy qua Hoa Kỳ không có không khí Việt Nam để thở nữa chứ lấy đâu dân ca mà nghiên cứu vận dụng. Hoàn cảnh tiếp xúc với dân ca của Phạm Duy quá khác với hoàn cảnh của các anh Thái Cơ, Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Văn Thành Nho, Nguyễn Đình Bảng, Lê Mây. Các anh được sống nhiều năm hòa bình ở miền Bắc và gần 35 năm độc lập, hòa bình, thống nhất toàn cõi Việt Nam. Các anh có thể đi Đông Tây Bắc, đi khắp vùng châu thổ sông Hồng, đi sâu vào các vùng dân ca phong phú Thanh, Nghệ, Bình Trị Thiên, Tây Nguyên, Đông Tây Nam bộ. Phạm Duy với các anh không cùng một hoàn cảnh nên không thể so sánh để đưa đến kết luận hơn thua được; so sánh như vậy là gò ép, khiên cưỡng,
- Về đièu kiện làm việc: Anh Phạm Duy là một nhạc sĩ tự do, sống bằng tác phẩm của mình trơ trụi giữa bộ máy chiến tranh chống kháng chiến Việt Nam của Mỹ và chính quyền tay sai ở Sài Gòn, sau 30-4-1975 lại chạy qua Mỹ bươn chãi kiếm sống nuôi bầy con dại với chính tác phẩm tân nhạc của mình, mãi gần 10 năm sau mới nghĩ mình có thể tiếp tục nghiên cứu, sáng tác. Trong lúc đó, nhiều trong số các anh được Hồng Đăng nêu tên sống tại Việt Nam, ăn lương nhà nước, có nhiều cơ hội đi nghiên cứu thực tế ở các vùng dân ca, được học hành, được tham khảo với các bậc thầy Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc, được đến nghiên cứư tại các vụ, viện dân tộc nhạc học tại Hà Nội và TP HCM, và cả Huế nữa. Điều kiện môi trường đầu vào khác nhau thì làm sao có thể lấy sản phẩm của đầu ra đặt cạnh bên nhau để nói chuyện hơn thua được? So sánh như vậy là tùy tiện, dễ dãi, thiếu sức thuyết phục;
- Về thành tựu (số lượng). Thật tình tôi rất “viễn chi” con người thường trong cuộc sống thực của nhạc sĩ Phạm Duy. Nhưng tôi cũng như đa số bạn bè lứa tuổi tôi bị nhạc của Phạm Duy chinh phục bởi cái chất dân ca, cái “chất việt”, cái chất dân tộc rất gần gũi trong nhạc của Phạm Duy. Viết lá thư nầy tôi không tiện dẫn chứng cái chất dân ca trong hàng trăm bài nhạc của Phạm Duy mà tôi đã nghe. Chỉ trong vòng 66 bài đã được phép lưu hành tôi cũng đã thấy các bài Quê Nghèo; Tình Ca; Bà Mẹ Gio Linh; Nương Chiều, Bà Mẹ Quê; Em Bé Quê; Hoa Xuân; Xuân Ca; Tình Hoài Hương; Gánh lúa; Bài Ca Sao…được sáng tạo từ các nguồn dân ca. Đặc biệt trong hai Trường ca Con Đường Cái Quan và Mẹ Việt Nam phổ biến rộng rãi ở miền Nam trước 1975 là hai tổ khúc dân ca phát triển được kết nối một cách nhuần nhuyễn tài tình. Trường ca Con Đường Cái Quan, 19 đoản khúc, Mẹ Việt Nam, 22 đoản khúc. Có thể xem 41 (19+22) đoản khúc nầy là 41 bài “khai thác dân ca vào sáng tác mới”. Những gì tôi biết về Phạm Duy quá ít ỏi so với những gì Phạm Duy đang chuẩn bị để lại cho dân tộc để đi họp mặt với Nguyên Xuân Khoát, Văn Cao, Đỗ Nhuận .v.v. ở chốn vĩnh hằng. Bao giờ anh Hồng Đăng chưa cho tôi một danh sách về số lượng các bài “khai thác dân ca vào sáng tác mới” của từng anh em mình đã có để tôi so sánh với số lượng bài mà tôi biết của Phạm Duy thì tôi vẫn chưa tin lời anh nói về Phạm Duy là đúng được.
- Về chất lượng. Trong văn học nghệ thuật, quý hồ tinh chứ không phải quý hồ đa”. Dõi theo hai cuộc kháng chiến ta thấy có biết bao thơ hay ra đời, nhưng rồi người ta cũng chỉ thuộc và chép cho nhau ngâm nga Màu tím hoa sim (Hữu Loan), Quê hương (Giang Nam), Núi Đôi (Vũ Cao).v.v. Văn Cao chỉ sáng tác trên 10 tác phẩm mà được xem như “ngưòi anh cả” về nhiều mặt trong tân nhạc Việt Nam. Trong lúc đó có nhiều người soạn đến sáu bảy trăm bài hát mà may lắm dân chúng mới nhớ được tên một vài bài. Được thế cũng đã quý lắm rồi. Do đó rất khó so sánh hơn thua về chất lượng nghệ thuật của “các sáng tác mới” “khai thác từ dân ca” của Phạm Duy và của các anh được Hồng Đăng biểu dưong. Một người ngoại đạo âm nhạc như tôi không dám bàn đến chất lượng âm nhạc (dù lớn dù nhỏ) của giới nhạc sĩ Việt Nam. Nhưng với nghiệp vụ báo chí, tôi có thể lấy sự tiếp nhận của dân chúng và của chính tôi làm thang điểm đánh giá chất lượng các ca khúc Việt Nam.
- Về sự tiếp nhận của dân chúng, các anh chưa tạo được hiện tượng nhạc Pham Duy như đoạn 4.1 nêu trên.
- Về kinh nghiệm bản thân: Trước tuổi 15 (1952), tôi ở trong rừng Đà Lạt, sau đó tôi ra khỏi rừng đi học ở Đà Lạt, Đà Nẵng, Huế, vỏn vẹn có 14 năm (1952-1966), sau đó (tháng 7-1966) đi kháng chiến chống Mỹ ở chiến khu Trị Thiên. Trong 14 năm đi học, tôi có dịp được tiếp xúc với tân nhạc, với nhạc Phạm Duy. Đi kháng chiến tôi mang theo trong lòng những lời ca mang âm hưởng dân ca, âm hưởng các điệu hò, điệu lý quê tôi của Phạm Duy:
- 21 -
Hò hố!… Hò hô!…
Hò hớ hơ!… Nhớ thương về chiến khu mờ….
Biết bao người sống mong chờ… (Về Miền Trung)
Xa xa tiếng chuông chùa gieo
Hò ơi… ơi ới hò! Hò ơi… ơi ới hò!… (Bà Mẹ Gio Linh)
Em ở lại nhà, em ơi, em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn mẹ già em thương,… tình tang… (Dặn Dò)
Ðây chốn biên khu, lòng ta như nước sông Lô
Khoan hỡi khoan hò, hò… hò… khoan!… (Tiếng Hát Trên Sông Lô)
Từ ngày, từ ngày chinh chiến mùa thu
Có chàng ra lính biên khu… ai ơi tung hoành… u u ù…(Nhớ Người Thương Binh)
Các con tôi ngày nay (trên dưới 30 tuổi) đều có ăn học, có bằng cấp hơn tôi, ưa thích âm nhạc, rất thích những bài hát “khai thác từ dân ca”, đặc biệt là nhạc phát triển từ dân ca Tây nguyên của Nguyễn Cường, nhưng tôi bảo chúng hát cho tôi nghe một bài của các anh thì đứa nào cũng cười trừ. Thực tế nó như thế đó, anh Hồng Đăng ạ, anh nghĩ lại xem thử câu nhắn gởi đến nhạc sĩ Phạm Duy “khai thác dân ca vào sáng tác mới giỏi hơn anh nhiều lắm” của anh có còn đúng không?
Mà anh Hồng Đăng nầy, nền tân nhạc/nhạc mới Việt Nam trong văn hóa VN đâu chỉ có nhạc mới, đâu chỉ có kháng chiến ca, tình ca? Tôi xin lặp lại là tôi ngoại đạo âm nhạc, chỉ với vị thế của một người cầm bút xứ Huế thôi tôi cũng đã thấy trong lịch sử âm nhạc VN còn nhiều thứ nữa: Nền âm nhạc VN có Nhạc đồng quê, nhạc tuổi thơ, nhạc tuổi xanh/nhạc trẻ, nhạc tuổi hồng, nhạc phổ thơ, tâm ca, bình ca, trường ca, nhạc tâm linh (Thiền ca, Đạo ca), nhạc múa, nhạc kịch, nhạc phim.v.v. và cao nhất là nhạc bác học nhạc thính phòng, giao hưởng. Loại nhạc nào VN cũng có đỉnh cao cả. Phạm Duy chỉ làm ca khúc và dài nhất là trường ca chứ chưa hề soạn một giao hưởng nào. Trong lúc đó nhiều nhạc sĩ VN như Tôn Thất Tiết, Nguyễn Thiện Đạo, Hoàng Việt, Nguyễn Văn Thương, Ca Lê Thuần, Trọng Bằng, Đõ Hồng Quân v.v. đã có rất nhiều giao hưởng nổi tiếng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, con trai của Phạm Duy là nhạc sĩ Duy Cường mấy chục năm qua đã không ngừng nghiên cứu âm nhạc Việt Nam và âm nhạc cổ điển Tây phưong không ngừng phấn đấu phối âm, phối khí nâng những ca khúc, những trường ca cúa thân sinh mình lên thành những bản hòa tấu / những tác phẩm âm nhạc thính phòng có giá trị quốc tế mà lại rất gần gũi với hơi thở và tiếng nói Việt Nam. Với tài năng của bản thân và sự tiếp tay của con cái, nhạc sĩ Phạm Duy đã chiếm được nhiều đỉnh cao trong lịch sử âm nhạc VN. Lấy cái tội Phạm Duy bỏ kháng chiến “về thành” đặt lên cân với các đỉnh cao của Phạm Duy trong lịch sử âm nhạc Việt Nam thì một cậu sinh viên mới vào trường âm nhạc cũng có thể thấy bên nào trọng bên nào khinh. Anh
Phạm Tuyên, anh Hồng Đăng có “OK” với tôi như thế không?
*
* *
Anh Phạm Tuyên kính mến,
6. Tôi không hiểu có chuyện gì mà cả ba anh Trọng Bằng – nguyên Tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam, anh Hồng Đăng – nguyên Phó TTK Hội NSVN và anh Phạm Tuyên – người đứng đầu Hội NS Thủ đô Hà Nội xuất hiện chung trong một bài báo cảnh báo nhạc sĩ Phạm Duy về nhiều điều như thế. Có thể nói đó là ý kiến của cả giới nhạc sĩ VN gởi đến nhạc sĩ Phạm Duy. Nhưng đọc kỹ thì tôi thấy không có vấn đề gì nghiêm trọng cả, nhất là phần ký tên Phạm Tuyên. Vấn đề mà các anh không nghĩ tới: qua bài báo đó gợi lên chuyện của chính nội bộ giới nhạc sĩ Việt Nam chứ không phải chuyện của nhạc sĩ Phạm Duy vừa ở Hoa Kỳ về định cư ở quê nhà. Chuyện nội bộ của giới nhạc sĩ VN tôi hẹn sẽ viết gởi anh trong một lá thư khác. Thư nầy đã quá dài, tôi chỉ xin trích một ý kiến của anh sau đây để bình luận thôi: Phạm Tuyên viết:
“Trong cơ chế thị trường hôm nay, tôi nghĩ cần phải thẩm định đúng giá trị thật những đóng góp của nhạc sỹ Phạm Duy, không nên quá đề cao”.
Vâng, tôi hoàn toàn đồng ý nội dung ý kiến nầy. Nhưng nó chỉ đúng khi tác giả ý kiến đó là một vị lãnh đạo Đảng, một quan chức lãnh đạo ngành văn hoá chứ không phải một quan chức ngành âm nhạc là Phạm Tuyên. Bởi vì việc “thẩm định đúng giá trị thật những đóng góp của nhạc sỹ Phạm Duy” là việc của Hội nhạc sĩ VN, của Viện nghiên cứu Âm nhạc VN, của các quan chức trong Hội Nhạc sĩ VN, trong đó có nhạc sĩ Phạm Tuyên. Không ai có thể thay thế các anh để làm việc đó cả. Việc của các anh các anh không làm lại đi chê trách báo chí trong cơ chế thị trường? Đáng lẽ báo chí phê phán các anh không làm nhiệm vụ của mình mới đúng chứ? Hay các anh sẽ bảo “Vì Phạm Duy mới về nên chưa làm kịp?” Vâng, mới gần 5 năm nên chưa kịp. Thế đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dã gần 35 năm rồi các anh đã “thẩm định đúng giá trị thật những đóng góp của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn chưa? Cũng chưa? Có lẽ vì thế mà cả một cái sự nghiệp âm nhạc Trịnh Công Sơn được dân chúng trong và ngoài nước xem là đỉnh cao ấy chưa hề được ghi tên vào danh sách xét trao các giải thưởng cấp tỉnh, cấp nhà nước nào của các anh cả. Sự nghiệp âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã vượt qua mọi giải thưởng. Thế các anh có biết nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ ở Quận 4 TP HCM không? Thưa thật với anh, tôi là người ngoại đạo, nếu có nói sai mong anh và các bạn của anh đại xá: Ở các đô thị miền Nam trước năm 1975, khó tim được một nhạc sĩ tài năng, yêu nước, can đảm, cách mạng như Phạm Thế Mỹ. Theo những thông tin của những người gần gũi với Phạm Thế Mỹ thì hình như Hội nhạc sĩ VN chưa quan tâm đên Phạm Thé Mỹ. Để các anh có dịp trao đổi với Hội Nhạc sĩ VN, tôi gởi kèm theo dưới đây bản liệt kê những gì tôi biết về người nhạc sĩ sống rất vinh quang và chết trong trong âm thầm ấy.
*
* *
7. Tôi cũng xin tâm sụ với anh Phạm Tuyên về những thông tin có liên quan đên ông bạn Trọng Bằng của anh trong tâm trí của tôi sau đây:
Như anh biết, tôi vốn xuất thân trong Phong trào tranh đấu ở các đô thị miền Nam trước đây và công tác ở chiên trường đồng bằng Tri Thiên Huế những năm đánh Mỹ ác liệt nhât (1966-1974). Tôi không được học hành nhiều, không có bằng cấp gì. Thật khác với đại đa số bạn bè tôi không tham gia tranh đấu, không hề biết kháng chiến, chỉ tập trung học hành nên đỗ đạt cao. Đối với bạn bè cùng thế hệ, tôi luôn có mặc cảm là mình dốt. Do đó từ sau ngày đi kháng chiến, tôi biết được trong hàng ngũ đồng chí, đồng đội của tôi có người được Đảng đào tạo, cho ăn học đến nơi đến chốn tôi rất tự hào. Đó là những lực lượng trí thức của tôi đối trọng với những người ở phía bên kia. Trước đây mỗi lần được xem (hoặc qua Tivi) GS NSND Trọng Bằng – tốt nghiệp trường nhạc của Liên-xô điều khiển Ban nhạc giao hưởng rất bề thế của VN tôi rất tin tưởng. Tin tưởng, tự hào về những hoạt động văn hóa chất lượng cao của VN. Nhưng rồi không ngờ năm 2006 ra Hà Nội ghé thăm các bạn cũ đồng nghiệp của tôi ở báo Lao Động, vô tình tôi nghe kể chuyện xì-căng-đan: “nhạc sĩ Trọng Bằng đạo nhạc”, tôi tá hỏa. Các bạn kể rằng: GS NSND Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ VN tự đưa tác phẩm Ouverture Chào mừng của ông ra đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh thì bị nhạc sĩ Vĩnh Cát tố cáo là tác phẩm Ouverture Chào mừng của nhạc sĩ Trọng Bằng không chỉ copy ý tưởng mà chép nguyên văn các chủ đề (thème) và cách phối âm phối khí trong bản giao hưởng số 5 của Shostakhovich và tác phẩm giao hưởng số 7 của Prokofiev. Bốn đại tá nhạc sĩ quân đội nổi tiếng là Huy Thục, Nguyên Nhung, Doãn Nho và Nguyễn Đức Toàn cũng tố cáo nhạc sĩ Trọng Bằng với nội dung tương tự. Nhạc sĩ Trọng Bằng không bảo vệ được tác phẩm của mình nên cuối cùng phải xin “rút khỏi danh sách đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh”. Thật hú hồn. Ông Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ VN mà đi đạo nhạc, đi tranh giải văn học nghệ thuật cao nhất nước, bị tố cáo phải rút lui thì hết chỗ nói chuyện đạo đức với bất cứ người làm nghệ thuật già trẻ, cũ mới nào rồi. Nếu không có trí thức và sự thẳng thắn của ông Vĩnh Cát và các vị Đại tá nhạc sĩ quân đội ấy thì hậu quả sẽ ra sao? Các nhạc sĩ Tôn Thất Tiết, Nguyễn Thiện Đạo ở Pháp, các nhạc sĩ Nga học cùng thê hệ với Trong Bằng ở Liên-xô cũ nghĩ gì về các nhạc sĩ, trí thức hàng đầu ở VN ? Các tác giả nhạc giao hưởng đồng nghiệp của Trọng Bằng sẽ nghĩ gĩ về cái Giải thưởng Hồ Chí Minh treo trong nhà nhạc sĩ Trọng Bằng? Hơn thế nữa người trong và ngoài nước sẽ xem cái Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý nhất nước như thế nao? Và, riêng những người với tài năng thực sự họ đã nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh sẽ phẫn nộ về sư không lương thiện của Trọng Bằng làm ảnh hưởng đến giá trị cái giải thưởng cao quý mà họ đã nhận như thê nào? Với một cú bị knock out như vậy đáng lẽ anh Trọng Bằng phải tu tỉnh, nhìn lại mình, kiểm điểm những âu trỉ, những thiếu sót của mình đối với anh em đòng nghiệp, bao dung, thông cảm với những người không được may mắn như mình, vỗ về, xoa dịu những nỗi đau của đồng nghiêp.v.v. Nhưng …than ôi!
*
* *
Kính anh Phạm Tuyên,
Tôi tuy nhỏ tuổi hơn các anh nhiều, nhưng cũng đã 73 tuổi, “cái tuổi xưa nay hiếm”. Nhiều đêm không ngủ được, không dám tính thêm chuyện gì nữa trong tương lai mà cứ nhớ và ngẫm lại chuyện cũ. Tôi mừng mình được may mắn có mặt trong cuộc kháng chiến trường kỳ góp phần giải phóng đất nước, nhiều bạn bè tôi ở miền Nam không được cái hạnh phúc ấy; Đến cuối đời thấm nhuần được một chút Đạo Phật, thấm thía với hai chữ nhân quả – vô thường, nên tuổi già được thanh thản. Ngẫm lại sự đời mình đã trải qua thật thấm thía. Không đâu xa, thực tế nhãn tiền cho thấy trước là tội nay là công, trước là bạn, sau là thù, xưa là thù nay là bạn, nay là công biết đâu do nhân quả mai là tội cũng nên. Nhiều vị “mắc tội nhân văn” cũ nay đã có giải thưởng quốc gia, ông Bùi Tín là một người có công trong kháng chiến, có mặt ở Dinh Đọc Lập trưa ngày 30-4-1975 nay là “nghịch thần” lưu vong ở nước ngoài. Nhạc sĩ Phạm Duy mắc tội bỏ kháng chiến “về thành”, nhưng với sự nghiệp âm nhạc đồ sộ nhất nước VN hiện nay của ông, biết đâu một ngày đẹp trời nào đó nhạc sĩ Phạm Duy cũng được vinh danh Như Văn Cao đã từng được hưởng? Ai dám chắc nói không? Công với tội thật vô thường. Chỉ có một thứ như Trịnh Công Sơn viết: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” là không thay đổi, dù để cho gió cuốn đi vẫn không mất. Phải chăng giới văn nghệ sĩ chúng ta hôm nay vẫn còn thiếu cái ấy?
Thư đã quá dài, tôi không dám làm phiền anh thêm nữa. Xin dừng bút. Kính chúc anh sức khỏe..
Nguyễn Đắc Xuân
9/1B Ng.Công Trứ, Huế
Đt: 054.3823009 – e-mail: gactholoc@yahoo.com

Kèm theo thư nầy có hai tài liệu của tôi đã đề cập trong thư trên. Anh đọc và nếu có thể chuyền tay cho nhiều người cùng đọc.

Không có nhận xét nào: