Thứ Tư, 13 tháng 10, 2010

Bỗng thành Bồ Tát...

Dạo này các vụ học sinh, đặc biệt là nữ sinh, đánh nhau, hạ nhục nhau, xé quần xé áo nhau xảy ra thường xuyên. Không còn là những hiện tượng cá biệt nữa mà trong chừng mực nào đó đã trở thành một phong trào. Cùng đồng hành với nó còn có những hiện tượng thầy cô mắng nhiếc học sinh tàn tệ như quân hằn quân thù, đanh đập học sinh như nô lệ, học sinh, phụ huynh đả thương, đâm chém thầy cô ngay cả trong lớp học. Không quá đáng nếu như ai đó nói rằng đạo đức đang suy đồi.

Dưới mỗi bản tin về những vụ việc như thế ta luôn thấy những comments của độc giả đòi xử lý nghiêm minh, đòi đuổi học, đòi đưa ra xử lý hình sự những cá nhân vi phạm. Cách hùa theo đám đông cũng là cách ứng xử dễ dàng nhất, để chứng minh mình trong sạch, mình không thuộc cái nhóm “suy đồi” kia. Trong số đó thậm chí có những ý kiến của những nhà giáo. Về mặt giáo dục. khi giao các em cho pháp luật xử lý cũng đồng thời ngành giáo dục đã tuyên bố đầu hàng, bó tay.

Trước những vi phạm của các em, kể cả của người lớn, ta thường nghe những người có trách nhiệm phán “ ý thức chấp hành kỷ luật, luật pháp kém”. Và thế là xong. Mọi tội lỗi được đẩy về phía kẻ vi phạm. Có tội thì phải trừng trị. Không ai phủ nhận điều đó cả. Thế nhưng cứ mãi trừng trị mà không thấy được cái nguyên nhân sinh ra tội phạm thì đúng là một cái vòng lẩn quẩn. Và các nhà tù, các trại cải tạo luôn đầy kín “khách hàng”, cho dù một năm có bao nhiêu là đợt đặc xá để giải quyết tồn đọng, tạo điều kiện lấy chổ đón những tội phạm mới.

Đi tìm ra nguyên nhân là việc của các nhà họach định chính sách. Riêng tôi, nhân việc vừa rồi một nhóm nữ sinh, than ôi, chỉ mới lớp 8 lớp 9, đánh đập một nữ sinh khác, bắt quì xuống để ăn đòn ngon hơn, sau khi thanh trừng xong còn lột áo cho nó biết xấu, tôi bỗng liên tưởng đến một hình ảnh khác.

Nói lâu thì cũng lâu, nhưng những sự việc như thế này không thể nào phai mờ trong tâm hồn những người chứng kiến. Chẳng phải chùng ta đã từng dạy cho trẻ em phải gọi kẻ thù là thằng này con kia sao, cho dù thằng đó đáng tuổi ông nội mình. Chẳng phải chúng ta đã từng dạy cho các em mắng chửi , xỉ vả thầy cô, thậm chí cha mẹ, ông bà…nếu họ là kẻ thù của nhân dân sao ? Chẳng phải chúng ta đã dạy các em phải cô lập, phải căm ghét bạn bè mình chỉ vì chúng là con em của bọn địa chủ, phản cách mạng sao ? Những người đã trải qua thời kỳ đó, chứng kíến những việc đó, không khỏi bị cái ác xâm chiếm tâm trí và biến nó thành một triết lý sống : Để tồn tại thì có thể chà đạp lên mọi giá trị. Lúc đầu có thể họ miễn cưỡng, nhưng sau đó họ quen dần và đâm …ghiền. Thì “Gieo thói quen gặt tính cách” mà. 

Còn vế sau nữa: “Gieo tính cách gặt số phận”. Cái mà chúng ta đang lãnh nhận hôm nay chỉ là một hệ quả tất yếu của những gì ta đã gieo trong quá khứ. Để tẩy rửa nó là cả một quá trình lâu dài và đau đớn. Và việc đầu tiên phải làm là phải thừa nhận những sai lầm, chính xác hơn là những tội ác đã “lỡ” phạm. Còn cứ lơ đi như thế này thì tôi ngờ rằng chúng ta có dạy gì đi nữa thì những hạt giống ác năm nào vẫn còn đó, và sẵn sàng nẩy mầm, đâm hoa, kết trái.

Tôi không dám bênh vực các em học sinh đó. Làm thế dễ bị thiên hạ bu lại ném đá lắm. Nhưng dưới mắt tôi, một nhà giáo, các em là những nạn nhân. Và do đó, các em đáng thương hơn đáng trách.

P/S: Sau lễ hội con người tớ đâm ra nhân từ, bao dung như bồ tát. hehehe



Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Không có nhận xét nào: