Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2010

Ngày khai giảng, nhớ thầy cô xưa (2)

Hai năm Đệ Tam và Đệ Nhị tôi học cô Cung, một cựu nữ sinh Đồng Khánh. Cô chính là người đã làm tôi yêu thích môn Anh văn. Khi ấy tôi đang học Pháp văn chính với Cha Benoit Phương, nhưng sự hấp dẫn của tiếng Anh và …cô Cung đã làm tôi xin chuyển sang sinh ngữ chính là Anh. Mà nói nào ngay tôi cũng do tôi ngán ngẫm với cái mớ văn phạm bùng nhùng của tiếng Pháp, Suốt ngày cứ phải lo “Conjuguer huit milles verbes irregulaires”, rồi “Analyse grammaticale”, “Analyse logique”…cứ chóng hết cả mặt. Dạy tôi năm Đê Nhị còn có một cựu nữ sinh Đồng khánh nữa : cô Ngọc Hương dạy Vạn vật. Cả hai cô đều nhẹ nhàng , dịu dàng thướt tha…đúng kiểu con gái Huế. Tiếc cái hôm rồi gặp lại cô Cung lại không nhận ra tôi nữa. Tuổi già thế đấy.


Thầy Tóan của tôi năm Đệ Nhị là thầy Nguyễn văn Hòa. Thầy chả bao giờ lớn tiếng. Lớp mà ồn quá là thầy ngồi im, nhìn ra cửa hút thuốc .Thế là bọn tôi lại nạt nhau bảo im đi cho thầy giảng. Sau này khi ra đi dạy tôi cũng thử áp dụng chiêu này nhưng chả ép phê mẹ gì. Bọn học trò càng lúc càng ồn. Lúc ấy mới ngộ ra để làm được như vậy phải có cái uy. Chưa có uy mà bày đặt cương là học trò nó cho ngồi hút thuốc mệt xỉu luôn.


Dày tôi môn Địa là thầy Phan đình Tần, tốt nghiệp tiến sĩ đệ tam cấp ở Sorbonne. Môn khô khan thế nhưng với thầy nó lại vô cùng sinh động. Thầy không bao giờ mang “chart” theo như các thầy cô bây giờ.Vào lớp, thầy một tay thọc vô túi một tay vẽ bản đồ. Rồi cứ theo quá trình giảng, bảng đồ được ghi chú, được tô thêm màu sắc, lồng thêm những giai thọai, những đặc điểm. Thầy dẫn chúng tôi đi du lịch từ nơi này đến nơi khác. Sau này tôi vẫn chưa thấy ai dạy được như thầy, và giờ địa luôn là giờ khô khan, gần bằng giờ công dân.


Mà nói tới công dân lại nhớ tới thầy Dương Kiền. Thầy là luật sư, lại là nhà văn có tiếng nữa. Thầy đã biến giờ công dân với những nghĩa vụ khô khan thành một giờ học hào hứng với những mẫu chuyện nhỏ, có những truyện rút từ “Những tâm hồn cao thượng”, có truyện từ “Quốc văn giáo khoa thư”, có những chuyện thực tế ngòai đời. Và giờ công dân trở thành một giờ học làm người, làm một công dân chân chính. Lòng yêu nước, tính kỷ luật, những qui tắc ứng xử trong cuộc sống đã được hình thành qua những giờ học như thế.


Nãy giờ kể tòan những thầy mẫu mực không hà. Kể về một thầy hơi quái chút để thay đổi không khí xem. Dân Nha trang hồi đó không ai không biết đến thầy Hùynh Tấn dạy Anh văn. Là đệ tử thầy là buộc phải thuộc nhưng câu thơ rất ngộ : “Cúi đầu xuống mà đi / Gầm đầu vào mà học / Trước mặt ta nỗi nhục / Sau lưng ta nỗi hèn / Đất nước như món hàng / Đồng bào như con lợn…” Lâu lâu thầy goi một chú lên kiểm tra xem, không thuộc là a lê “ Get out !”. Đứa nào sớn sác nạp tiền học mà để thầy thấy là coi chừng ăn bợp tai. Phải chờ thầy đi đâu đó len lén chạy lên nhét cái bì thư vào cặp hay vào sách thầy. Mà nói nào ngay thầy dạy cũng hay, nên môn sinh cũng nhiều. Hồi mẹ thầy chết thầy sơn chiếc xe Vespa mầu nâu, bận bộ đồ nâu, không cắt tóc, búi tó để tang mẹ. Quái chưa ?


Lên Đê Nhất chúng tôi phải học triết học, thế là đụng độ các triết gia. Triết gia Võ dõan Nhẫn thì áo quần láng tưng, đầu tóc bóng lóang, ruòi lỡ đáp xuống là té dập mặt chết tươi. Triết gia Thạch trung Giã thì …đúng là triết gia. Ấy là theo sự tưởng tượng của chúng tôi hồi ấy. Triết gia là phải bất cần thân thể, ăn mặc lôi thôi, sớn sa sớn sác, đụng đâu quên đó. Thế thì thầy Giã đúng là triết gia rồi. Cả hai thầy đều dạy hay. Và từ đó chúng tôi bắt đầu cãi nhau về sự “phi ly” hay “vô lý”, bắt đầu biết “buồn nôn”, bắt đầu tìm đọc Sartre, Sagan, Krisnamurti, Kafka… Cho nó hợp cái “mốt của thời đó í mà. Những cái linh tinh ấy rồi cũng qua mau. Thì văn hóa là những cái còn lại sau khi người ta quên tất cả mà. Môn Triết ở Vó Tánh còn vài thầy nữa : Thầy Ngô đức Diễm, thầy Thuộc, thầy Luc. thầy Anh. Nhờ thầy mà chúng tôi biết thế nào là hối hận và ân hận. Lại còn có cả một nữ triết gia : Cô Tôn nữ Tri Chỉ.



Môn Vạn vật là môn phụ đối với mấy thằng ban B chúng tôi, nhưng không thể không nhắc đến thầy Cao quảng Hà. Thầy dạy trung học với tác phong của một giáo sư đại học : Uyên bác, thông thái và đĩnh đạc. Thầy chăng bao giờ quan tâm đến điểm số. Bài tập thầy cũng không cho điểm. Ai muốn học thì học, thầy chẳng ép, đứa nào ồn thầy cũng không quát tháo, chỉ ngưng giảng, nhifn đương sự một cách âu yếm, thế là chú chàng nín ngay.


Chúng tôi ban B tức là ban Tóan, nên thầy dạy Tóan là rất quan trọng. Hồi đó Võ Tánh có nhiều thầy dạy Tóan lớp Đệ Nhất, mỗi thầy một lớp chứ không như bây giờ một thầy dạy…8 lớp. Để coi : Thầy Phương nè, một “chain smoker” hạng nặng. Điếu thuốc không bao giờ tắt trên tay. Thầy Phạm tấn Phước, chúng tôi gọi là “Phước xích lô” bởi vì thầy to con lắm. Sau này khi thầy bệnh nặng, hàng lớp học sinh cũ mới xếp hàng hiến máu cứu thầy nhưng thầy không qua khỏi! Thầy Cao văn Duy cao lỏng khỏng, thầy Dũng đầu đinh, sau 75 thầy đột quị khi đang giảng bài cho học sinh và đi luôn; một cái chết đẹp cho một người thầy. Rồi đại sư phụ của tôi : Thầy Bùi ngọan Lạc. Thầy và cô ( hiệu trưởng trường Nữ trung học ) đúng là những nhà sư phạm kiểu mẫu mà bây giờ xem ra khó gặp. Gần đây nhìn hình thầy hội ngộ cùng học trò cũ bên Mỹ mà muốn ứa nước mắt. Hồi đó thầy đã hay bệnh rồi, vậy mà nhờ ơn Trời Phật thầy cô vẫn còn an hưởng tuổi già sau gần 40 năm.


Hồi đó thầy Lạc hay bệnh lắm. Mỗi lần nghe thư ký báo tin thầy bệnh là cả lớp reo lên mừng rỡ. Thì học sinh đứa nào chả thế. Mừng vì tự dưng được nghỉ thôi chứ chẳng ác ý gì. Sau đó chúng tôi dành nhau để được nằm trong phái đòan đi thăm thầy. Chả là thầy sống trong một căn nhà trong trường Nữ, nơi cô làm hiệu trưởng. Thăm thầy là phụ mà cái chính là thâm nhập được vào thế giới của bọn con gái, cái bọn rất đáng ghét nhưng cũng rất đáng yêu ấy, xem thử bọn chúng ăn ở ra làm sao. Đúng là học trò.


Còn nhiều , nhiều nữa những thầy cô, những người đã giúp hình thành nhân cách chúng tôi, cung cấp tri thức cho chúng tôi. Thầy nào trò nấy. Chúng tôi được như bây giờ cũng là nhờ ở các thầy cô. Nhìn đội ngũ thầy cô hiện nay mà lo lắng cho thế hệ mai sau. Nhưng thôi, đó là chuyện của một entry khác, nếu có.
haihoang60 wrote on Sep 15

delete reply
giaogia wrote on Sep 6
Các thày cô ngày xưa, mỗi người một tính cách ,nhưng đều có căn bản đạo đức và nghề nghiệp. Học trò học họ coi như đã ra đời tiếp xúc với nhiều hạng người trong xã hội, học tập phong cách riêng của các thày cô... Bây giờ chán chết như mặc đồng phục ....

delete reply
dangtiendungnauy wrote on Sep 6
Nhà thơ Dương Kiền định cư cùng thành phố với tôi. Ông có giọng nói rất hay và thường thì những gì ông nói nghe rất thích. Tôi có dịp làm việc chung với ông (tôi gọi bằng chú) trong những năm đầu tỵ nạn. Hiện nay ông đã quay về Quê Nhà (nghe nói vậy vì tôi không gặp ông nữa).

edit delete reply
haihoang60 wrote on Sep 6
Vâng! Sau 75 ông bị gọi đi cải tạo. Sau đó được Hội Văn bút quốc tế can thiệp ra định cư nước ngòai. Nghe nói thầy định cư ở Nauy, gia đình hình như cũng ly tán. Thầy có cô vợ cực đẹp, thuộc hàng hoa khôi Nha trang. Qua đó bỏ nhau rồi. Không biết thầy có về VN không, tôi chưa nghe ai nói

delete reply
knowmyhand wrote on Sep 8
Vấn đề trai gái nam nữ và học đường chẳng phải chỉ ảnh hưởng học trò thôi mà cả thầy luôn.
Tôi học Nguyễn Trãi ở Sài Gòn. Toàn nam. Học sinh thì phá như quỷ. Giáo sư (hồi đó gọi vậy) cũng toàn nam. Trời Sài Gòn tự cổ đã nóng nên các giáo sư ông thì mồ hôi muối trắng lưng, ông thì cổ áo ring around the collar. Cho đến một hôm...
Cô Châu. Giáo Sư Nữ đầu tiên và duy nhất xuất hiện. Thầy, mồ hôi muối tan theo bọt biển, rings around the collars bỗng nhiên invisible. Học trò (lớn thôi) tà tà ngu ngơ đàn bò vào thành phố.
Thế đấy. Cô Châu của tôi đã là cuộc Cách Mạng Hồng ngày ấy.
ngocyen054 wrote on Sep 15
Mình cũng học cô Cung và cô Ngọc Hương đó. Hai cô nay vẫn khỏe mạnh , và trẻ trung lắm. Anh Hoàng xem hình hội ngộ cựu học sinh VT – NTH ở hải ngoại vừa rồi chưa? Cô ấy cười tít mắt, thương lắm.
Hai tháng nữa mình được gặp các cô ấy rồi.
gioheomay wrote on Sep 15
Chúc mừng vì anh có nhiều thầy cô để nhớ ...
Anh bỗng làm Gió nhớ thầy cô mình ...và tự hỏi , mai này có đứa học trò nào còn nhớ mình không ?
lienhoa2009 wrote on Sep 15
Anh Hoàng viết thật có duyên nhen. hi hi. Những kỉ niệm xưa thật đáng nhớ và đáng trân trọng.
"Chưa có uy mà bày đặt cương là học trò nó cho ngồi hút thuốc mệt xỉu luôn" --> sao giống em dị. Học trò chả sợ cô tí nào. Hi hi.
chi2congdong wrote on Sep 15
Bây giờ CT tui...nhớ ra hình ảnh anh H. len lén đến thăm thầy Bùi Ngọan Lạc...rồi..: Cái mặt đỏ bừng, 2 tai cũng đỏ bừn.g..2 con măt láo liên nhìn học trò truờng nữ...vừa nhìn vừa run.
Tội ngiệp thầy Lạc bị cậu học trò lợi dụng chính nghĩa đi thăm thầy bịnh..!!!!!!!!!!!!!!
Ha...ha
chi2congdong wrote on Sep 15
Đang chờ đọc "Nhớ Thầy cô xưa 3" thời gian CĐDH đó !
haihoang60 wrote on Sep 15
Đang chờ đọc "Nhớ Thầy cô xưa 3" thời gian CĐDH đó !
Tuến không nhắc xém chút anh quên rồi.
chi2congdong wrote on Sep 15
Tuến không nhắc xém chút anh quên rồi.
Trời ! Cả một thời hoa mộng mà xém quên ! Thiệt là đang xử phanh thây Ha...ha
haihoang60 wrote on Sep 15
Ng ta giả bộ nói dậy thôi mà lên mặt liền hà
chi2congdong wrote on Sep 15
Ng ta giả bộ nói dậy thôi mà lên mặt liền hà
Tui ngây thơ lắm, nói sao tin dậy à. Lên mặt gì đâu? Xém quên cái thời CĐDH thì đáng xử phanh thây là chuyện đương nhiên thôi mà...
trangluong wrote on Sep 15
Xém quên cái thời CĐDH
ảnh giả vờ quên đó chị 3 ui!
ổng nhớ không sót chuyện gì đâu , kể cả cái chuyện xí chỗ xe bus !
trangluong wrote on Sep 15, edited on Sep 15
Em học Pháp văn nên chỉ nhớ các ông bà Pháp Sư ! nhưng các thầy cô của anh đều rất thân thuôc !
Thấy Cao Quảng Hà dạy lớp em Sinh Vật lớp 12 , đúng như anh nói, thầy điềm đạm , uyên bác, thông thái , dù nhỏ bé và gầy gò nhưng phong thái rất Thầy !
Thầy DK của anh, cũng thế, chị KA vợ thầy quả là 1 trang tuyệt sắc, bây giờ vẫn còn đẹp , hai đứa con thành tài , DKim có dịch cuốn Rừng NaUy khá hay và tái bản tới mấy lần !
Các Thầy Cô chúng ta thuở ấy đã đào tạo nên biết bao thế hệ thành tài , bởi vì, chúng ta được tự do giáo dục trí thể không theo bất cứ một định hướng nào !
Chúng ta học và hành bằng tâm sức chứ không theo lề trái lề phải, Thầy cô chúng ta giảng dạy chẳng cần quái gì Giáo án và sách Giáo khoa vạch sẵn nguyên mẫu , cho nên chúng ta có kiến thức sâu nặng, có tình cảm vững chắc với học đường và đât' nước , chẳng cần soạn theo lề vạch sẵn và ép gượng tư tưởng các bác nào vào đây cả ! Đó là con đường đi đến thành công !
noname409 wrote on Sep 15
giờ nghĩ lại những trò tinh quái ngày đó mà thương các thày cô quá chừng .Gía kể mình biết nghĩ thế này từ ngày ấy nhỉ, tiếc !
noname409 wrote on Sep 15
cảm ơn các anh chị đã nhắc em nhớ lại tuổi học trò đã xa :)

Không có nhận xét nào: