Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2009
Ai thắng ai bại?
Hôm qua Nhật Báo Người Việt đã đăng một “thư độc giả” phản ứng trước bài “Một chính quyền thối nát” của nhà văn Trần Khải Thanh Thủy. Thực ra đây không phải là phản ứng từ một “độc giả bình thường” đọc bài của Trần Khải Thanh Thủy, mà rõ ràng từ một cán bộ văn hóa tư tưởng của chính quyền Cộng Sản được bà nói tới trong bài này. Ông công an văn hóa tư tưởng này viết rằng “...Tụi mày thua trận rồi thì im cái mồm lại đi nghe. Ký tên: TAO.”
Có một nhầm lẫn lớn trong một dòng chữ này. Tác giả bức thư coi tất cả những người chỉ trích chế độ Cộng Sản đang cai trị nước ta đều là những người thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Cho nên anh ta (hay chị ta) mới gọi là “tụi mày thua trận rồi...” để yêu cầu “im cái mồm lại.”
Nhưng nhà văn Trần Khải Thanh Thủy không sống một ngày nào trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Cô không thuộc hàng ngũ những “ngụy quân, ngụy quyền,” hay “ngụy dân” đã từng thất bại trên chiến trường vào năm 1975 và sau đó bị những người thắng trận đầy đọa bằng nhà tù lớn, nhà tù nhỏ khi áp đặt chủ nghĩa xã hội của họ trên miền Nam. Những người kể trên là những người thua trận thật, còn Trần Khải Thanh Thủy thì khác. Cô là một cô gái trưởng thành trong chế độ Cộng Sản, được uốn nắn theo lối giáo dục của Cộng Sản, đã làm việc trong chế độ đó. Chính vì vậy nên bản thân cô có kinh nghiệm về những tai họa mà chế độ Cộng Sản gây ra trên đất nước ta. Chính vì vậy nên cô đã nêu lên những ý kiến phải thay đổi chế độ tai hại đó, hậu quả là bây giờ cô bị cả bộ máy của đảng và nhà nước Cộng Sản khủng bố. Bài “Một chính quyền thối nát” cô viết đăng trên Nhật Báo Người Việt trong mấy ngày qua chỉ tả lại những hành động khủng bố của các tay chân của chế độ Cộng Sản (công an đến dân phòng, bảo vệ...) đối với gia đình cô trong đêm trước ngày các giáo dân Thái Hà ra tòa phúc thẩm. Guồng máy công an chỉ tìm cách ngăn cản không cho cô tới coi phiên tòa được mà thôi. Cô gửi cho cả hình ảnh những uế khí mà các tay khủng bố này đổ ra đầy trước cửa nhà cô vào lúc ba giờ sáng; và thuật lời chồng cô kể “chúng nó... không dám xách xô phân trộn dầu đổ như cũ (như lần trước) mà đứng cách một mét hất thẳng vào rồi bỏ chạy.”
Bài văn của Trần Khải Thanh Thủy rất trào lộng. Ba giờ sáng cô ra cửa, “Trước mắt tôi nhoe nhoét tư tưởng Hồ Chí Minh trải khắp bậc cửa nhà, không còn một chỗ để đặt chân.”
Có lẽ mấy ông công an tư tưởng văn hóa đọc tới đây thấy Trần Khải Thanh Thủy ví những xú uế với tư tưởng Hồ Chí Minh cho nên giận quá mất khôn. Họ theo đúng bài bản mà ban tư tưởng văn hóa của đảng soạn sẵn, cho nên coi cô cũng là “thành phần phản động nặng” rồi chửi như thường lệ, “tụi mày thua trận rồi... im cái mồm lại.”
Trần Khải Thanh Thủy cũng giống như những nhà trí thức Việt Nam khác, những người trẻ tuổi như Nguyễn Văn Ðài, Lê Thị Công Nhân, Ðỗ Nam Hải, vân vân; họ là những người đã sống trong chế độ gọi là “xã hội chủ nghĩa.” Họ đã nhìn rõ những sai lầm tai hại trong cuộc sống mà đảng Cộng Sản ép dân ta phải theo từ hơn nửa thế kỷ nay. Lực lượng đối kháng tiềm tàng nguy hiểm nhất đối với đảng Cộng Sản hiện nay là những người dân đã sống hoàn toàn trong chế độ đó. Những thanh niên trí thức yêu nước đã sống trong chế độ của họ nên biết rõ chế độ đó như thế nào có khả năng kết hợp các nông dân, công nhân bị bạc đãi để gây một phong trào đòi thay đổi. Chính quyền Cộng Sản không biết cách đối phó với phong trào mới này ra sao nên mới khủng bố từng người một, và gán cho những người đó thuộc vào phe những người “thua trận,” giống như mọi người lính, người dân sống trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975.
Nhưng tới đây chúng ta thấy một câu hỏi lớn hơn: Thực sự thì ai là những người thua trận?
Câu trả lời tùy thuộc cách chúng ta nhìn mặt trận đó là trận tranh đấu nào.
Quý vị có thể định nghĩa trong giới hạn một trận chiến tranh, bắt đầu từ năm 1958 khi đảng Cộng Sản ở miền Bắc bắt đầu xâm nhập, đánh phá, rồi tiếp tục đem quân tấn công miền Nam cho đến năm 1975 thì kết thúc. Nói về cuộc chiến tranh đó, thì phe Việt Nam Cộng Hòa đã thua trận.
Nhưng tại sao có cuộc chiến tranh Nam Bắc trong 17 năm đó? Cuộc chiến này cũng chỉ là một giai đoạn trong một cuộc tranh chấp lớn hơn và lâu dài hơn, giữa những người Việt Nam theo chủ nghĩa Quốc Gia và những người Cộng Sản theo một chủ nghĩa quốc tế. Trước năm 1930, những người làm cách mạng chống Pháp ở nước ta đã có hai khuynh hướng khác biệt. Nhiều người chủ trương đuổi bọn thực dân đi rồi xây dựng một quốc gia độc lập, thiết lập một chế độ tự do dân chủ. Tiêu biểu cho phong trào này là những Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, cho tới Nguyễn Thái Học, truyền xuống tới các đảng phái quốc gia sau này như Quốc Dân Ðảng, Ðại Việt, Duy Dân, và đảng Dân Chủ Xã Hội do Ðức Thầy Huỳnh Phú Sổ lập ra ở miền Nam, vân vân.
Ðối nghịch với khuynh hướng đó là những người theo chủ nghĩa Cộng Sản, chủ trương đặt cuộc tranh đấu của người Việt Nam vào trong một cuộc cách mạng lớn khắp thế giới, họ theo một chủ nghĩa quốc tế. Trong phe quốc tế này, nhóm Ðệ Tam đã tìm cách tiêu diệt những người Ðệ Tứ như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, rồi tấn công tới những người theo khuynh hướng quốc gia.
Cuộc chiến giữa hai khuynh hướng quốc gia và quốc tế bắt đầu từ 1930 trước hết là một cuộc tranh chấp về tư tưởng lập quốc. Xóa bỏ chế độ vua quan phong kiến, đánh đuổi thực dân rồi, người Việt Nam sẽ sống với nhau theo mô hình chính trị, kinh tế nào? Ðó là câu hỏi căn bản phân biệt giữa các đảng phái quốc gia và phe Cộng Sản đệ tam. Ðó là nguyên nhân gây ra những vụ đổ máu ngay trong lúc người Việt còn đang lo đánh Pháp giành độc lập. Khi Hồ Chí Minh theo ý kiến các cố vấn Trung Cộng làm cải cách ruộng đất, ông ta vẫn không quên nhân cơ hội đó tiêu diệt tất cả những người không thuộc thành phần mà đảng Cộng Sản có thể tin cậy. Những người góp công lao vào cuộc kháng chiến rất nhiều cũng bị sát hại, nhiều người đã bỏ Cộng Sản để về theo chính quyền quốc gia, tới năm 1954 đã mở ra một giai đoạn mới, Việt Nam bị chia thành hai miền sống trong hai thể chế khác nhau. Ðến năm 1975 phe quốc gia thua trận, điều này không ai chối cãi.
Nhưng cuộc tranh chấp thực sự giữa hai phe không bắt đầu bằng vũ khí và cũng không phải chỉ nằm trong mặt trận quân sự. Khi cụ Phan Bội Châu lên tiếng bài bác chủ trương làm “cách mạng vô sản” ở Việt Nam, cụ đã vạch rõ nước ta lúc đó không hề có giai cấp tư bản cũng không có giai cấp vô sản. Những nhà ái quốc đã bị Cộng Sản ám hại như Trương Tử Anh, Lý Ðông A, Huỳnh Phú Sổ cũng đều lấy dân tộc làm căn bản, chống lại chủ trương đấu tranh giai cấp của đảng Cộng Sản.
Cho nên, cuộc tranh chấp giữa hai phe Quốc Gia và Cộng Sản đầu tiên là một cuộc đấu tranh về tư tưởng chính trị. Nói theo lối Cộng Sản, đó là một cuộc chiến tranh ý thức hệ. Cho nên cuộc tranh chấp đó cũng không được giới hạn trong biên giới một nước, không quyết định qua một cuộc chiến tranh ở một đất nước, dù đó là một cuộc chiến đã làm chết mấy triệu người Việt Nam. Cuộc đấu tranh giữa những người Quốc Gia và những người Cộng Sản ở Việt Nam nằm trong một cuộc chiến toàn cầu giữa trào lưu tư tưởng tự do dân chủ đối nghịch với phong trào Cộng Sản thế giới.
Từ những năm trong thập niên 1940, 50 trên thế giới đã nhiều người nhìn thấy chế độ Cộng Sản không thể tồn tại lâu dài được, vì nó đi ngược lại với bản chất con người và xã hội loài người. Nhiều người đã nhìn thấy chế độ Cộng Sản không hề giải phóng loài người như họ vẫn hứa hẹn, mà ngược lại còn nô lệ hóa con người. Nhưng các phong trào Cộng Sản vẫn bành trướng được vì những nước lớn như Nga và Trung Quốc thấy có thể lợi dụng các phong trào Cộng Sản ở từng nước nhỏ khác mà xây dựng đế quốc của họ, tiếp tục tham vọng của những hoàng đế Nga và Trung Hoa đời trước.
Ðến năm 1975, có thể coi là phong trào Cộng Sản thế giới đã lên tới đỉnh cao nhất. Nhưng trong nội bộ các nước Nga và Trung Quốc, chế độ Cộng Sản đã tàn hại chính các dân tộc này. Vụ sụp đổ của các nước Cộng Sản từ năm 1989 cho thấy từ căn bản chủ nghĩa Cộng Sản đã thất bại. Cộng Sản thất bại khắp trên thế giới, ngay tại những nước vẫn còn mang nhãn hiệu Cộng Sản như Trung Quốc, Việt Nam, thì chính các đảng Cộng Sản ở đó cũng đã quay đầu đi ngược về hướng kinh tế tư bản, trở thành những chế độ độc tài dựa trên độc quyền về kinh tế và chính trị, trống rỗng về mặt tư tưởng.
Trong trận chiến đấu quan trọng nhất là tranh chấp tư tưởng và ý thức hệ, khối Cộng Sản đã thua, hoàn toàn phá sản. Bây giờ những người mang tên đảng Cộng Sản ở Việt Nam chỉ là mạo danh một chủ nghĩa lỗi thời, lợi dụng những thần tượng đã tan vỡ, để bảo vệ những quyền lợi thủ đắc của một giai cấp tư bản mới. Khi nhìn lại cuộc tranh chấp giữa hai phe Quốc Gia và Cộng Sản ở nước ta, cho tới giờ thì phải công nhận là cuối cùng là phe Cộng Sản đã “thua trận.” Chính họ đang tự cởi bỏ chủ nghĩa Cộng Sản, và không biết có gì để thay thế nên chỉ biết chạy theo chủ nghĩa kim tiền!
Cho nên bà Trần Khải Thanh Thủy chắc không lo ngại gì khi bị công an tư tưởng văn hóa của chế độ Cộng Sản quấy rối, phá phách. Vì bà biết mình đang đứng trong hàng ngũ những người thắng trận. Một ngày mai dân Việt Nam sẽ phải được sống trong một chế độ dân chủ tự do lành mạnh, khi đó người Việt sẽ ghi giai đoạn nước ta sống dưới chế độ Cộng Sản như một cơn ác mộng ngắn trong lịch sử dân tộc. Và trong một hai thế hệ nữa, mọi người sẽ quên cả chủ nghĩa Cộng Sản lẫn đảng Cộng Sản. Vì trong mỗi con người cũng như trong lịch sử một dân tộc, không ai muốn nhớ những cơn ác mộng.
Ngô Nhân Dụng
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét