Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2009

Ai thắng ai bại?



Hôm qua Nhật Báo Người Việt đã đăng một “thư độc giả” phản ứng trước bài “Một chính quyền thối nát” của nhà văn Trần Khải Thanh Thủy. Thực ra đây không phải là phản ứng từ một “độc giả bình thường” đọc bài của Trần Khải Thanh Thủy, mà rõ ràng từ một cán bộ văn hóa tư tưởng của chính quyền Cộng Sản được bà nói tới trong bài này. Ông công an văn hóa tư tưởng này viết rằng “...Tụi mày thua trận rồi thì im cái mồm lại đi nghe. Ký tên: TAO.”

Có một nhầm lẫn lớn trong một dòng chữ này. Tác giả bức thư coi tất cả những người chỉ trích chế độ Cộng Sản đang cai trị nước ta đều là những người thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Cho nên anh ta (hay chị ta) mới gọi là “tụi mày thua trận rồi...” để yêu cầu “im cái mồm lại.”

Nhưng nhà văn Trần Khải Thanh Thủy không sống một ngày nào trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Cô không thuộc hàng ngũ những “ngụy quân, ngụy quyền,” hay “ngụy dân” đã từng thất bại trên chiến trường vào năm 1975 và sau đó bị những người thắng trận đầy đọa bằng nhà tù lớn, nhà tù nhỏ khi áp đặt chủ nghĩa xã hội của họ trên miền Nam. Những người kể trên là những người thua trận thật, còn Trần Khải Thanh Thủy thì khác. Cô là một cô gái trưởng thành trong chế độ Cộng Sản, được uốn nắn theo lối giáo dục của Cộng Sản, đã làm việc trong chế độ đó. Chính vì vậy nên bản thân cô có kinh nghiệm về những tai họa mà chế độ Cộng Sản gây ra trên đất nước ta. Chính vì vậy nên cô đã nêu lên những ý kiến phải thay đổi chế độ tai hại đó, hậu quả là bây giờ cô bị cả bộ máy của đảng và nhà nước Cộng Sản khủng bố. Bài “Một chính quyền thối nát” cô viết đăng trên Nhật Báo Người Việt trong mấy ngày qua chỉ tả lại những hành động khủng bố của các tay chân của chế độ Cộng Sản (công an đến dân phòng, bảo vệ...) đối với gia đình cô trong đêm trước ngày các giáo dân Thái Hà ra tòa phúc thẩm. Guồng máy công an chỉ tìm cách ngăn cản không cho cô tới coi phiên tòa được mà thôi. Cô gửi cho cả hình ảnh những uế khí mà các tay khủng bố này đổ ra đầy trước cửa nhà cô vào lúc ba giờ sáng; và thuật lời chồng cô kể “chúng nó... không dám xách xô phân trộn dầu đổ như cũ (như lần trước) mà đứng cách một mét hất thẳng vào rồi bỏ chạy.”

Bài văn của Trần Khải Thanh Thủy rất trào lộng. Ba giờ sáng cô ra cửa, “Trước mắt tôi nhoe nhoét tư tưởng Hồ Chí Minh trải khắp bậc cửa nhà, không còn một chỗ để đặt chân.”

Có lẽ mấy ông công an tư tưởng văn hóa đọc tới đây thấy Trần Khải Thanh Thủy ví những xú uế với tư tưởng Hồ Chí Minh cho nên giận quá mất khôn. Họ theo đúng bài bản mà ban tư tưởng văn hóa của đảng soạn sẵn, cho nên coi cô cũng là “thành phần phản động nặng” rồi chửi như thường lệ, “tụi mày thua trận rồi... im cái mồm lại.”

Trần Khải Thanh Thủy cũng giống như những nhà trí thức Việt Nam khác, những người trẻ tuổi như Nguyễn Văn Ðài, Lê Thị Công Nhân, Ðỗ Nam Hải, vân vân; họ là những người đã sống trong chế độ gọi là “xã hội chủ nghĩa.” Họ đã nhìn rõ những sai lầm tai hại trong cuộc sống mà đảng Cộng Sản ép dân ta phải theo từ hơn nửa thế kỷ nay. Lực lượng đối kháng tiềm tàng nguy hiểm nhất đối với đảng Cộng Sản hiện nay là những người dân đã sống hoàn toàn trong chế độ đó. Những thanh niên trí thức yêu nước đã sống trong chế độ của họ nên biết rõ chế độ đó như thế nào có khả năng kết hợp các nông dân, công nhân bị bạc đãi để gây một phong trào đòi thay đổi. Chính quyền Cộng Sản không biết cách đối phó với phong trào mới này ra sao nên mới khủng bố từng người một, và gán cho những người đó thuộc vào phe những người “thua trận,” giống như mọi người lính, người dân sống trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975.

Nhưng tới đây chúng ta thấy một câu hỏi lớn hơn: Thực sự thì ai là những người thua trận?

Câu trả lời tùy thuộc cách chúng ta nhìn mặt trận đó là trận tranh đấu nào.

Quý vị có thể định nghĩa trong giới hạn một trận chiến tranh, bắt đầu từ năm 1958 khi đảng Cộng Sản ở miền Bắc bắt đầu xâm nhập, đánh phá, rồi tiếp tục đem quân tấn công miền Nam cho đến năm 1975 thì kết thúc. Nói về cuộc chiến tranh đó, thì phe Việt Nam Cộng Hòa đã thua trận.

Nhưng tại sao có cuộc chiến tranh Nam Bắc trong 17 năm đó? Cuộc chiến này cũng chỉ là một giai đoạn trong một cuộc tranh chấp lớn hơn và lâu dài hơn, giữa những người Việt Nam theo chủ nghĩa Quốc Gia và những người Cộng Sản theo một chủ nghĩa quốc tế. Trước năm 1930, những người làm cách mạng chống Pháp ở nước ta đã có hai khuynh hướng khác biệt. Nhiều người chủ trương đuổi bọn thực dân đi rồi xây dựng một quốc gia độc lập, thiết lập một chế độ tự do dân chủ. Tiêu biểu cho phong trào này là những Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, cho tới Nguyễn Thái Học, truyền xuống tới các đảng phái quốc gia sau này như Quốc Dân Ðảng, Ðại Việt, Duy Dân, và đảng Dân Chủ Xã Hội do Ðức Thầy Huỳnh Phú Sổ lập ra ở miền Nam, vân vân.

Ðối nghịch với khuynh hướng đó là những người theo chủ nghĩa Cộng Sản, chủ trương đặt cuộc tranh đấu của người Việt Nam vào trong một cuộc cách mạng lớn khắp thế giới, họ theo một chủ nghĩa quốc tế. Trong phe quốc tế này, nhóm Ðệ Tam đã tìm cách tiêu diệt những người Ðệ Tứ như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, rồi tấn công tới những người theo khuynh hướng quốc gia.

Cuộc chiến giữa hai khuynh hướng quốc gia và quốc tế bắt đầu từ 1930 trước hết là một cuộc tranh chấp về tư tưởng lập quốc. Xóa bỏ chế độ vua quan phong kiến, đánh đuổi thực dân rồi, người Việt Nam sẽ sống với nhau theo mô hình chính trị, kinh tế nào? Ðó là câu hỏi căn bản phân biệt giữa các đảng phái quốc gia và phe Cộng Sản đệ tam. Ðó là nguyên nhân gây ra những vụ đổ máu ngay trong lúc người Việt còn đang lo đánh Pháp giành độc lập. Khi Hồ Chí Minh theo ý kiến các cố vấn Trung Cộng làm cải cách ruộng đất, ông ta vẫn không quên nhân cơ hội đó tiêu diệt tất cả những người không thuộc thành phần mà đảng Cộng Sản có thể tin cậy. Những người góp công lao vào cuộc kháng chiến rất nhiều cũng bị sát hại, nhiều người đã bỏ Cộng Sản để về theo chính quyền quốc gia, tới năm 1954 đã mở ra một giai đoạn mới, Việt Nam bị chia thành hai miền sống trong hai thể chế khác nhau. Ðến năm 1975 phe quốc gia thua trận, điều này không ai chối cãi.

Nhưng cuộc tranh chấp thực sự giữa hai phe không bắt đầu bằng vũ khí và cũng không phải chỉ nằm trong mặt trận quân sự. Khi cụ Phan Bội Châu lên tiếng bài bác chủ trương làm “cách mạng vô sản” ở Việt Nam, cụ đã vạch rõ nước ta lúc đó không hề có giai cấp tư bản cũng không có giai cấp vô sản. Những nhà ái quốc đã bị Cộng Sản ám hại như Trương Tử Anh, Lý Ðông A, Huỳnh Phú Sổ cũng đều lấy dân tộc làm căn bản, chống lại chủ trương đấu tranh giai cấp của đảng Cộng Sản.

Cho nên, cuộc tranh chấp giữa hai phe Quốc Gia và Cộng Sản đầu tiên là một cuộc đấu tranh về tư tưởng chính trị. Nói theo lối Cộng Sản, đó là một cuộc chiến tranh ý thức hệ. Cho nên cuộc tranh chấp đó cũng không được giới hạn trong biên giới một nước, không quyết định qua một cuộc chiến tranh ở một đất nước, dù đó là một cuộc chiến đã làm chết mấy triệu người Việt Nam. Cuộc đấu tranh giữa những người Quốc Gia và những người Cộng Sản ở Việt Nam nằm trong một cuộc chiến toàn cầu giữa trào lưu tư tưởng tự do dân chủ đối nghịch với phong trào Cộng Sản thế giới.

Từ những năm trong thập niên 1940, 50 trên thế giới đã nhiều người nhìn thấy chế độ Cộng Sản không thể tồn tại lâu dài được, vì nó đi ngược lại với bản chất con người và xã hội loài người. Nhiều người đã nhìn thấy chế độ Cộng Sản không hề giải phóng loài người như họ vẫn hứa hẹn, mà ngược lại còn nô lệ hóa con người. Nhưng các phong trào Cộng Sản vẫn bành trướng được vì những nước lớn như Nga và Trung Quốc thấy có thể lợi dụng các phong trào Cộng Sản ở từng nước nhỏ khác mà xây dựng đế quốc của họ, tiếp tục tham vọng của những hoàng đế Nga và Trung Hoa đời trước.

Ðến năm 1975, có thể coi là phong trào Cộng Sản thế giới đã lên tới đỉnh cao nhất. Nhưng trong nội bộ các nước Nga và Trung Quốc, chế độ Cộng Sản đã tàn hại chính các dân tộc này. Vụ sụp đổ của các nước Cộng Sản từ năm 1989 cho thấy từ căn bản chủ nghĩa Cộng Sản đã thất bại. Cộng Sản thất bại khắp trên thế giới, ngay tại những nước vẫn còn mang nhãn hiệu Cộng Sản như Trung Quốc, Việt Nam, thì chính các đảng Cộng Sản ở đó cũng đã quay đầu đi ngược về hướng kinh tế tư bản, trở thành những chế độ độc tài dựa trên độc quyền về kinh tế và chính trị, trống rỗng về mặt tư tưởng.

Trong trận chiến đấu quan trọng nhất là tranh chấp tư tưởng và ý thức hệ, khối Cộng Sản đã thua, hoàn toàn phá sản. Bây giờ những người mang tên đảng Cộng Sản ở Việt Nam chỉ là mạo danh một chủ nghĩa lỗi thời, lợi dụng những thần tượng đã tan vỡ, để bảo vệ những quyền lợi thủ đắc của một giai cấp tư bản mới. Khi nhìn lại cuộc tranh chấp giữa hai phe Quốc Gia và Cộng Sản ở nước ta, cho tới giờ thì phải công nhận là cuối cùng là phe Cộng Sản đã “thua trận.” Chính họ đang tự cởi bỏ chủ nghĩa Cộng Sản, và không biết có gì để thay thế nên chỉ biết chạy theo chủ nghĩa kim tiền!

Cho nên bà Trần Khải Thanh Thủy chắc không lo ngại gì khi bị công an tư tưởng văn hóa của chế độ Cộng Sản quấy rối, phá phách. Vì bà biết mình đang đứng trong hàng ngũ những người thắng trận. Một ngày mai dân Việt Nam sẽ phải được sống trong một chế độ dân chủ tự do lành mạnh, khi đó người Việt sẽ ghi giai đoạn nước ta sống dưới chế độ Cộng Sản như một cơn ác mộng ngắn trong lịch sử dân tộc. Và trong một hai thế hệ nữa, mọi người sẽ quên cả chủ nghĩa Cộng Sản lẫn đảng Cộng Sản. Vì trong mỗi con người cũng như trong lịch sử một dân tộc, không ai muốn nhớ những cơn ác mộng.
 
Ngô Nhân Dụng

Xin hãy một lần thử đặt mình vào địa vị kẻ khác.


Cuộc sống vốn luôn phức tạp và ẩn chứa những điều nghịch lý khó hiểu khiến chúng ta phải quan tâm tìm cách giải quyết. Bằng nhiều lý luận và phương pháp thực tiễn đã giúp con người có thể tìm ra lời giải đáp cho mình. Một trong những giải pháp giúp cho việc tiếp cận sự việc dễ dàng hơn là đặt mình vào địa vị người khác để đánh giá và đạt được mức độ cảm nhận giống với người trong cuộc.



Vậy đã bao giờ bạn đặt mình vào địa vị của người khác để thử xem cách nhìn nhận một vấn đề có khác so với trước hay không?


Trở lại đề tài muôn thuở là qui luật nhân quả trong đời sống xã hội. Người xưa thường nói gieo gió ắt gặt bão, ăn ở hiền lành thì gặp phúc đức, hay khái quát hóa lên thì được gọi chung là nhân nào quả nấy. Nào hãy thử nhìn xem nhé: 


Hẳn ai đó trong chúng ta đã từng theo dõi cũng như chứng kiến sự nghiệp của khá nhiều nhân vật chính trị nổi tiếng trên thế giới. Có người kết thúc sự nghiệp đẹp như mơ giống như sự khởi đầu của họ. Nhưng lại cũng có người kết thúc bằng những sự kiện khiến chúng ta phải thảng thốt giật mình. Bởi cứ nghĩ rằng làm sao ánh mắt kiêu hùng, dáng vẻ đường bệ và nụ cười đắc thắng ấy lại có kết cục thảm hại, thậm chí là bi thảm được.


Phải chăng vì họ đã gây tội lỗi với nhân dân, với dân tộc thì ắt hẳn một ngày nhất định bị hạ bệ và một kết cục đau lòng là không thể tránh khỏi?.
Nhìn xem những nhân vật Adolf Hitle, Saddam Hussein, Ceaucescu.. kia đã từng có một thời lững lẫy ra sao. Khi sự oai phong của những nhân vật này xuất hiện ở đâu thì cũng bấy nhiêu sự thành kính thậm chí là khiếp sợ nhìn thấy trên khuôn mặt của cả trăm ngàn người tại đó. Ai đó nói rằng đây là những kẻ độc tài, phát xít, kẻ thù của nhân loại, tội phạm chiến tranh bị thế giới lên án thì quả không sai, nhưng cũng xin nhớ rằng, nhân dân nước đó cũng đã một thời suy tôn họ là những anh hùng dân tộc, lãnh tụ tối cao.

Thế còn những người đã từng được coi là vĩ nhân của thế giới thì sao? Nhìn vào hình ảnh nhà lãnh tụ một thời của Liên Xô, ông Vladimir Ilich Lenin (vẫn đang được ĐCS VN tiếp tục dựng tượng thờ phụng thành một tôn giáo riêng cho đảng), đã từng được tôn kính, sùng bái ra sao …..Vậy mà khi Liên Xô XHCN sụp đổ thì tượng đài của ông đã bị hạ bệ không thương tiếc trên toàn lãnh thổ Liên Xô và tại cả các nước Đông Âu. Người ta đã dùng dây thừng, xe tăng, xe kéo để mà lôi, để mà giật cổ ông xuống. 67 năm sau kể từ ngày Lê nin mất kết cục thế này sao? Và thậm chí rằng, sang năm sau (2010), nước Nga sẽ chính thức đưa di hài Lênin ra khỏi lăng đem đi mai táng, chấm dứt bấy nhiêu năm một huyền thoại tưởng như vĩnh cửu. 






Sự sụp đổ của một biểu tượng 



Sẽ có rất nhiều người giờ phút này tin rằng người viết là kẻ báng bổ khi nói rằng, sẽ tới một lúc nào đó thi hài Hồ Chí Minh cũng như Mao Trạch Đông cũng không tránh khỏi kết cục tương tự. Mọi người có quyền giữ suy nghĩ đó cho riêng mình, và xin hãy giữ nó cho tới khi tận mắt mình được chứng kiến giờ phút xảy đến, hoặc nó sẽ xảy đến thậm chí sau khi các vị đã nhắm mắt xuôi tay. Không ai bắt các vị phải tin điều này, nhưng hãy tin rằng, có những điều ta không muốn nhưng nó vẫn phải xảy ra cũng như không có cái gì là tồn tại mãi mãi. 


Những nhân vật đương thời như Chủ tịch Kim Jong Il, Giáo chủ Khomeini… được thế giới văn minh ngày nay nhìn nhận ra sao, có phải là những kẻ khùng điên khi tuyên bố muốn tiêu diệt cả một dân tộc, cả một thế giới, trong lúc nhân dân nước họ lại coi là lãnh tụ tối cao đầy kính trọng? hoặc giả đưa thêm cả Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và thậm chí Tổng bí thư Nông Đức Mạnh của Việt Nam vào trong danh sách liệu có sai không? khi cũng chính Hồ Cầm Đào cùng với các bậc tiền bối của mình lệnh cho quân giải phóng Trung Quốc đàn áp khủng bố nhân dân Tây Tạng suốt từ năm 1949 trở lại đây và thậm chí sự kiện đẫm máu ngày 11/3/2008 khi người dân Tây Tạng tưởng niệm ngày bị Trung Quốc xâm lược? còn ông Nông Đức Mạnh? Xin hỏi những ai đang sống dưới chế độ cộng sản tại Việt Nam thì rõ cái công lao của ông và đảng mình khi mang lại độc lập tự do, toàn vẹn lãnh thổ và nhân quyền cho người dân ra sao để có câu trả lời thỏa đáng.


Trở lại với thế giới hiện tại, ngay hôm nay thôi, nếu ai đó theo dõi tin tức đều đặn thì hẳn chưa quên rằng cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, người từng chiếm ưu thế áp đảo và thắng cử vang dội trong cuộc bầu cử Thủ tướng khi ấy (năm 2001). Vậy mà chỉ tới năm 2006, sau cuộc đảo chính quân sự chớp nhoáng của quân đội đã phải cuốn gói lưu vong trốn chạy khỏi đất nước, xin tị nạn chính trị tại Anh quốc và hiện vẫn đang chịu lệnh truy nã của Tòa án Thái lan do phạm tội tham nhũng. Cũng nên biết rằng, nếu nói về công trạng thì ông Thaksin đã đưa Thái Lan từ vị trí là một con nợ trở thành một trong những nền kinh tế phát triển mạnh nhất Đông Nam Á.


Cựu Tổng thống Mohamed Suharto của Indonesia với tài sản tham nhũng lên tới 73 tỉ đô la Mỹ trong 34 năm cầm quyền (đúng bằng số năm cộng sản Việt Nam tồn tại từ khi lên cầm quyền tới nay) hay như cựu Tổng thống Ferdinand Marcos và tay chân đã tham nhũng tài sản đất nước Philippine lên tới 100 tỉ đô la Mỹ trong 20 năm cầm quyền cũng không thể bền mãi với đế chế gia đình trị đất nước của mình. Một thời lừng lẫy cũng phải kết thúc trong tức tưởi. Chế độ độc tài duy trì bằng sức mạnh quân đội cuối cùng cũng phải nhường bước cho một xã hội dân sự trên đà hướng tới nền dân chủ non trẻ.


Cựu Tổng thống Trần Thủy Biển của Đài Loan giờ đang ở đâu? Xin thưa, đang chờ phiên tòa sơ thẩm với tội danh biển thủ tài chính trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 cùng các tội danh khác như tham nhũng, bê bối đất đai. Hiện nay cả người vợ (người phụ nữ ốm đau bệnh hoạn đang phải ngồi xe lăn sau một vụ tai nạn), con trai,con dâu ông (được Tòa án triệu hồi từ bên Mỹ về nước) cũng đang được quản thúc tại gia nhằm phục vụ điều tra vụ án này. Cho dù ông Biển vẫn giữ được (hay cố giữ) nụ cười thường trực trên môi khi đài truyền hình đưa hình ảnh ông trong trại giam lên tivi thì nhất định ông cũng không có được kết cục như ý. Và dù giả dụ Tòa án Tối cao Đài Loan có nể tình ông từng là Tổng thống đầu tiên của một đảng đối lập được bầu lên qua bầu cử thì cái án ông nhận cũng không giúp ông thay đổi được hình tượng lừng lẫy một thời trước đây.


Chế độ chính trị nào và những nhà lãnh đạo nào sẽ bị hạ bệ tại Đông Nam Á tới đây?


Trở lại với nền “chính trị ổn định” với những “nhà lãnh đạo liêm khiết” của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, xưa nay tại đất nước này chưa hề có tiền lệ đưa lãnh đạo nhà nước ra xét xử về bất cứ tội danh gì như tham nhũng, gian lận bầu cử hay thậm chí là bán rẻ Tổ quốc. Cấp cao nhất từ trước tới nay đưa ra xét xử cũng chỉ dừng ở mức thứ trưởng trong bộ máy Chính quyền hoặc cấp Ủy viên Trung ương trong bộ máy Đảng với vài vị như Mai Văn Dâu, Nguyễn Việt Tiến, Lương Quốc Dũng, Trần Mai Hạnh làm “thí điểm” mà thôi. Còn các vị khác cấp cao hơn như ông Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Hà Phan vì tội khai man lý lịch, bị tố “phản bội” trong quá khứ cũng chỉ bị Đảng lặng lẽ cho thôi chức về hưu nhằm giữ thể diện cho Đảng.


Như thế có phải là cấp cao hơn, chẳng hạn như 15 vị trong Bộ Chính trị ĐHĐ 10 đứng đầu với “tứ trụ triều đình” là an toàn không? Vâng, hiện nay quyền lực Đảng này nằm hết trong tay Bộ chính trị với sự trung thành của lực lượng công an, quân đội, do vậy họ vẫn còn yên tâm mà lo thực hiện các thủ đoạn của họ. Nhưng về tương lai thì sao? Câu trả lời là không có gì bất biến, một khi quyền lực không nắm được nữa, trong lúc lòng dân đã vô cùng chán ghét thì kết cục không giống như Saddam Hudssen ở trên thì may ra cũng như Thaksin Shinawatra ở dưới thôi.


34 năm qua ung dung tại vị, cho mình là độc tôn vô địch, không có thế lực nào thay thế nổi thì có lẽ đảng này tự tin hơi sớm. Bởi vì xét ra 34 năm cũng chỉ chưa bằng nửa đời người, thậm chí có là 1 hoặc 2 đời người đi nữa thì cũng không phải là gì ghê gớm cả. Triều đại nhà Lê tồn tại lâu nhất trong lịch sử Việt Nam cũng chỉ 361 năm. Nghĩa là gấp hơn 10 lần triều đại cộng sản hiện tồn tại và rồi cũng phải tự sụp đổ một khi rơi vào con đường hủ bại, phản tiến bộ. Vậy thì cái 34 năm nếu so với lịch sử dân tộc cũng chỉ là một chớp mắt. Vấn đề sẽ chỉ là thời gian cũng như cái cách đảng này tự tiêu vong ra sao mà thôi.


Như đã nói ở trên các chế độ kia sụp đổ phần lớn là do các nhà lãnh đạo quốc gia tham nhũng, độc tài, phản dân chủ. Nhưng điều khủng khiếp của cộng sản Việt Nam lại còn nằm ở chỗ ngoài tham nhũng ra, Đảng Cộng sản còn dâng đất, nhượng biển cho ngoại bang Trung cộng. Đây quả là một việc xỉ nhục, đáng hổ thẹn với tổ tông bất khuất. Hành động này thiên thanh từ cổ chí kim chưa từng xảy ra bao giờ. Quả thật, đây là một tội lỗi mà dân tộc Việt sẽ không bao giờ có thể tha thứ được, cho dù nhân dân có mở lòng từ bi bác ái đến cỡ nào đi nữa.


Một con người sinh ra cho đến lúc chết đi cũng đều phải trải qua các giai đoạn Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Vậy thì Đảng Cộng sản này có muốn cố tình nhân danh đạt được sự “ủng hộ tuyệt đối” của 87 triệu dân để tồn tại cũng chỉ là một cách nói lối của đảng này nhằm trấn an dư luận cũng như tự trấn an mình. 


Thế giới đang trong cuộc đại khủng hoảng kinh tế, nó được đánh giá còn tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng năm 1930 trên toàn cầu. Lẽ nào Việt Nam đứng ngoài sự ảnh hưởng này? Có lẽ là không thể, dù rằng mức độ hội nhập của Việt Nam chưa phải là sâu rộng, nhưng không có nghĩa là nơi trú ẩn an toàn cho mọi sự toan tính. Hơn bao giờ hết, lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam hiện đang ngồi trên đống lửa. Có lẽ cái thời vui tươi, hồn nhiên, phấn khởi khi cứ đề ra nghị quyết mỗi năm tăng trưởng 8-9% đã không còn nữa. Sức ép đang đè nặng trên vai các vị với mối đe dọa đến từ vấn đề chủ quyền an ninh quốc gia bên ngoài lẫn khủng hoảng kinh tế trong nước, đó là chưa kể tới vấn đề nhân quyền mà bấy lâu nay các vị vẫn cố tình bóp nghẹt hòng phục vụ cho sự độc tài đảng trị của mình. 87 triệu dân với nhu cầu dân sinh bức xúc ngày càng tăng không thể không khiến cho sức nóng cũng ngày càng trở nên ngột ngạt. Không ai có thể nhịn đói quá 3 ngày, họ chỉ có thể chịu được tới ngày thứ 2 thôi, đến ngày thứ 3 thì cái dạ dày tất không cho phép họ làm những con người hiền lành, cam chịu nữa. Đến lúc đó có lẽ sắt họ cũng xơi thì đừng nói tới cái lạnh của nòng súng thép khiến họ khiếp hãi như bấy lâu nay.


Bởi vậy nếu ta đặt mình vào địa vị lãnh đạo Đảng Cộng sản thì sẽ thấy rõ, dung hòa được lợi ích cá nhân (tham nhũng, củng cố chế độ độc tài đảng trị) với lợi ích xã hội là ưu tiên số 1 trong các chính sách hiện nay. Nếu làm lòng dân gia tăng sự bất mãn thì cái cơ ngơi do vun vén từ khi cướp được chính quyền tới nay sẽ có nguy cơ sụp đổ. Vậy thì tạm thời chịu ăn ít đi một chút, tạm thời tỏ ra quan tâm tới xã hội, thực hiện chính sách khẩn cấp cứu nền kinh tế cho dù có phải đi xin, đi vay nước ngoài và thậm chí là bán tài nguyên cho ngoại bang vào khai thác, dù biết rằng đó là hạ sách có khả năng dẫn tới sụp đổ trong tương lai không xa thì cũng buộc phải làm vì cái tương lai gần đang rất đen tối này. Và như đã nói, đây chính là cái họa của đảng này và cũng đúng như câu nói nhân nào quả nấy.


Những sự biến động trên đã khiến người viết bài này hết sức lo lắng cho số phận các vị lãnh đạo Đảng Cộng sản về sau, kể cả các vị tưởng đã an bài khi kịp nhắm mắt xuôi tay về nơi cửu tuyền. Liệu 87 triệu dân mà họ nói là “ủng hộ tuyệt đối” xưa nay có thật sự đang ủng hộ tuyệt đối hay không? Nếu thật sự như thế thì còn may cho họ, còn nếu không thì quả sẽ là tương ứng với nhân đấy.


Sẽ có rất nhiều người không tin vào điều này và mỉa mai nhạo báng cứ ngồi đó mà phán xét quàng xiên. Vâng, mỗi người có quyền phán xét theo ý riêng của mình, nhưng nếu thử đặt mình vào địa vị kẻ khác thì mới thấy có những chuyện tưởng như không thể lại trở thành có thể trong một ngày gần đây. 


Liệu có thể vui được mãi, liệu có thể giữ được mãi nụ cười trên môi? Xin hãy một lần thử đặt mình vào địa vị kẻ khác.